1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Con át chủ trong “ván bài lật ngửa” tại Sudico

(Dân trí) - Sự xuất hiện một thành viên mới cùng cam kết sẽ thu xếp được 2.000 tỷ vốn rẻ chính là con át chủ trong thế giằng co quyền lực tại Sudico, nơi mà Tập đoàn Sông Đà khẳng định sẽ nâng vốn lên 51% - con số chi phối.

Sudico vẫn là con gà đẻ trứng vàng với nhiều dự án béo bở
Sudico vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" với nhiều dự án béo bở
 
2 hay 3, không chỉ là con số

 

Việc bầu hay không bầu lại HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên Sudico ngày 30/6 vốn dĩ nóng lên và gây nhiều tranh cãi trong cổ đông và trong chính HĐQT công ty này có nguyên nhân trực tiếp là tiếng nói của hai nhóm cổ đông lớn.

 

Cụ thể, Tập đoàn Sông Đà (cùng các đơn vị trực thuộc), cổ đông lớn nhất vừa tung sức mua gom cổ phiếu để sở hữu hơn 44% cổ phần của Sudico ngay trước đại hội dĩ nhiên không muốn để quyền đưa ra quyết sách ở đây bị chi phối bởi nhóm quyền lực khác.

 

Nhóm quyền lực khác ở đây có thể nói rõ hơn là ông Đỗ Văn Bình, người vừa xuất hiện trên chiếc ghế Phó Chủ tịch HĐQT, và là người đang cầm trong tay 20% cổ phần cùng sự ủng hộ của một số cổ đông khác trong mục tiêu cải tổ Sudico để kiếm ra tiền từ những dự án siêu béo bở, điển hình là Nam An Khánh và Tiến Xuân.

 

Việc bầu lại hay không bầu lại HĐQT có ý nghĩa quan trọng trong “ván bài” quyền lực này, bởi việc Sông Đà chỉ có 2 thành viên trong HĐQT hiện chưa đủ để họ tin rằng Sudico trong nhiệm kỳ tới sẽ hoạt động theo quan điểm của Sông Đà.

 

Theo quy chế Sudico, cổ đông nắm từ 30 - 50% cổ phần được giới thiệu 3 người vào HĐQT, và nếu cả 3 người đều trúng cử (khả năng này cao bởi Sông Đà nắm tỷ lệ cổ phần cao nhất, đồng nghĩa với những lá phiếu theo quan điểm của Sông Đà sẽ chiếm tỷ lệ cao). Chính vì thế, việc xuất hiện nội dung bầu lại HĐQT và BKS tại đại hội là hết sức có ý nghĩa với Sông Đà, trong các quyết sách của HĐQT trong tương lai.

 

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi đại diện vốn của Sông Đà tại đại hội đã đưa ra kịch bản tệ nhất: nếu không bầu lại HĐQT, thì theo luật định sau 6 tháng kể từ khi hết nhiệm kỳ sẽ phải bầu tiếp, có nghĩa là chỉ 2 tháng nữa nhóm cổ đông lớn hoặc HĐQT sẽ phải triệu tập đại hội để bầu. Ông này cũng nói thẳng thắn rằng, đang tồn tại bất đồng giữa cổ đông nhà nước và nhóm cổ đông khác, điều đó có thể dẫn tới việc HĐQT sẽ bộc lộ mâu thuẫn trong công tác điều hành, ảnh hưởng không tốt tới thương hiệu Sudico.

 

Chủ tịch đương nhiệm, ông Hồ Sỹ Hùng cũng khẳng định vai trò của Sông Đà trong quá trình phát triển của Sudico, rằng cách đây 2 năm trong đề án tái cấu trúc Sông Đà đã ghi rõ Sudico là tổng công ty bất động sản thuộc Sông Đà, trong đó Sông đã sẽ góp 51% vốn của nhà nước đầu tư vào. "Sudico là là 1 công ty của Sông Đà nhưng sau 10 năm nhìn lại thì sự thành công của Sudico hầu đều do dự án, tài sản của Sông Đà chuyển giao, còn những dự án của Sudico đưa ra đa phần không hiệu quả", ông Hùng nhấn mạnh.

 

Nếu Sông Đà đủ tiềm lực tài chính cũng như năng lực mua gom trên thị trường để đạt được con số 51% này, thì đương nhiên Sudico sẽ trở thành công ty do nhà nước nắm cổ phần chi phối, và việc để một nhóm cổ đông khác có hơn 50% số thành viên trong HĐQT là việc khó chấp nhận với Sông Đà.

 

Con át chủ mang màu đồng

 

Tuy nhiên, 10 năm dài có thể thay đổi chỉ trong 2 tháng. Trong 2 tháng đó, ván cờ quyền lực ở Sudico không còn là giữa “người chơi chính” Sông Đà và các cổ đông nhỏ. Sự xuất hiện của ông Đỗ Văn Bình với 20% cổ phần chính là bước ngoặt đó.

 

“Tôi trực tiếp đầu tư tiền vào đây, nên tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền đó, đồng thời cũng là ủng hộ các cổ đông nhỏ”, ông Bình tuyên bố. Và đúng như tuyên bố đó, với hàng trăm tỷ “tiền tươi thóc thật” đổ vào Sudico, ông không thể để mình yếu thế trong con đường phía trước của Sudico.

 

Là một nhà đầu tư, ông Bình nhìn thấy khả năng sinh tiền khủng khiếp từ những dự án béo bở mà Sudico đang có, như Nam An Khánh, Tiến Xuân… “Trước đây (sau thời điểm đại hội bất thường ngày 16/4 - NV), chúng tôi đề nghị với Tập đoàn giữ nguyên bộ máy, vì bộ máy đã có định hướng cụ thể. Như trước đây, Nam An khánh cứ thiếu tiền là bán một tí, nay không bán nhỏ lẻ như vậy nữa. Bây giờ còn một số vướng mắc sẽ giải quyết hết, bỏ tiền ra làm hạ tầng tốt thì sẽ bán được giá cao hơn. Với dự án này nếu làm tốt thì chỉ cần nâng mức bán 20 - 21 triệu đồng/m2 hiện nay lên 30 triệu thì sẽ lãi khoảng 4.000 - 5.000 tỷ trong tầm tay”, ông Bình nói.

 

Để cụ thể hóa phép tính của mình, ông Bình khẳng định Ngân hàng Việt Á sẽ đầu tư vào Sudico 2.000 tỷ để giải quyết món nợ 1.900 tỷ của công ty này với 3 tổ chức tài chính, sau đó sẽ dồn lực làm dự án Nam An Khánh và kéo dự án này về Ban quản lý của Sudico trực tiếp nắm, biến Sudico An Khánh thành đối tác làm dự án khác.

 

Ở đây có 2 con số không thể không lưu tâm, là cọc đầu tư 2.000 tỷ mà Sudico cần để tái cơ cấu nợ, cũng như con số 4.000 - 5.000 tỷ lãi từ Nam An Khánh. Con số đầu tiên là con át chủ trong cuộc “hiệp thương quyền lực” giữa nhóm ông Bình và Sông Đà. Còn con số thứ 2, tất nhiên gắn với lợi ích của các cổ đông còn lại sau một năm mỏi mòn nhìn vào Sudico.

 

Không phải tự dưng mà ông Bình nói thẳng: nếu có sự xáo trộn trong HĐQT, thì những định hướng đó không thể làm được. Chính vì thế, con số 20% cổ phần của ông Bình đang nắm đã trở nên lớn hơn bởi những cam kết của ông. Điều đó thể hiện ở việc có tới 41% (cao hơn nhiều mức 35% theo điều kiện tối thiểu) cổ đông phủ quyết việc thông qua quy chế bầu cử và bầu lại HĐQT mới.

 

Và cũng không phải tự dưng, một thành viên “mới toe” trong HĐQT có thể đưa ra những nhận xét không dễ nghe với không ít người: Nếu tôi vì cá nhân mà không vì tập thể gần 4.000 cổ đông thì tôi không bao giờ để anh Cường và anh Sự trong HĐQT, mà tôi sẽ giới thiệu thêm 1 người nữa vì với số cổ phần của tôi có thể làm được.

 

“Khi tôi đầu tư vào đây thì tôi cũng biết một số vấn đề giữa các đông lớn với nhau, cụ thể là nội bộ của Tập đoàn Sông Đà với những người đại diện. Đó là những vấn đề cần điều chỉnh. Khi Sông Đà cử 2 người sang, Sông Đà là cổ đông lớn nhất nên người cầm lái là Sông Đà, nhưng 2 người còn lại là 2 người cũ hoạt động rất tốt, am hiểu trình tự thủ tục và hiện tại các dự án đang triển khai đến đâu…”, vẫn lời ông Bình.

 

Cuộc “hiệp thương” bên lề đại hội giữa 2 nhóm cổ đông lớn, về mặt hình thức đã khiến đại hội thành công vì bầu lại được HĐQT mới. Nhưng về bản chất, việc HĐQT mới được bầu chỉ giúp đảm bảo về tính pháp lý, còn các gương mặt trong 5 ghế lãnh đạo đều không thay đổi.

 

Chưa rõ đó đã phải là tất cả các “điều khoản” được hiệp thương hay chưa, song có thể thấy trong ván cờ quyền lực người nắm con át chủ đã chiếm thế thượng phong so với những chủ trương, con số và những thực tế trong quá khứ.

 

Hồng Kỹ