1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Có nên kết hối?

Số dư ngoại tệ của tổ chức và dân cư gửi tại ngân hàng gần 20 tỷ USD. Nếu kết hối, thị trường ngoại tệ tự do sẽ yên ả hơn?

Có nên kết hối? - 1
Nguồn ngoại tệ trong nước gửi tại hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào
(gần 20 tỷ USD) nhưng nhu cầu sử dụng thấp.
 
Dù điều kiện hiện nay để kết hối (thuật ngữ chỉ việc doanh nghiệp có ngoại tệ buộc phải bán ngay một phần hoặc toàn bộ cho ngân hàng) khá thuận lợi, nhưng điều quan trọng là gây dựng niềm tin ở nội tệ để bên nắm giữ ngoại tệ sẵn sàng bán lại cho ngân hàng.

Phân tích về điều kiện thị trường, giám đốc ban nguồn vốn một ngân hàng thương mại quốc doanh nêu quan điểm: “Tại thời điểm này, đã hội tụ một số điều kiện cần thiết để kết hối”.

Theo đó, việc áp dụng các biện pháp hành chính để mua bán ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng là xu hướng chung của nhiều quốc gia, rất ít quốc gia thực hiện mua bán ngoại tệ... ngoài đường như Việt Nam! Và ở đó, họ chỉ sử dụng một đồng tiền bản tệ.

Tiếp theo, nguồn ngoại tệ trong nước gửi tại hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào (gần 20 tỷ USD) nhưng nhu cầu sử dụng thấp. Điều này xuất phát từ các nhân tố sau: chênh lệch lãi suất giữa nội ngoại tệ không cao; nhà nước đang thực hiện hỗ trợ lãi suất với tiền đồng nên lãi suất hai đồng tiền này gần bằng nhau.

Trong khi đó, nếu vay bằng VND lại không chịu rủi ro tỷ giá, dẫn đến nhu cầu vay ngoại tệ trở nên không cần thiết.

Ngoài ra, khi kết hối, “bình ngưng” ngoại tệ tại ngân hàng sẽ giảm và ngân hàng thương mại sẽ cân đối các nguồn ngoại tệ của mình (nguồn có thể bán và nguồn có thể cho vay) một cách bền vững và nhờ đó, công tác điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá sẽ dễ dàng thực hiện hơn.

Ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc LienVietBank cho biết, có một thực tế, những khách hàng nhập khẩu hoặc đã mở L/C hiện đang rất khó khăn mua ngoại tệ để thanh toán hợp đồng.

Trong khi đó, doanh nghiệp nắm giữ ngoại tệ lại không chịu bán cho ngân hàng, vì thế, kết hối là chuyện khó tránh. Lúc này, cần yêu cầu doanh nghiệp có ngoại tệ, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phải có trách nhiệm với doanh nghiệp nhập khẩu và nền kinh tế.

“Không thể không làm gì với hiện tượng doanh nghiệp cần ngoại tệ để xuất khẩu thì yêu cầu ngân hàng thương mại đáp ứng các điều kiện nhưng khi ngân hàng thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thì doanh nghiệp xuất khẩu lại thờ ơ!”, ông Thắng nói.

Vậy, quan điểm của doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang nắm giữ nguồn ngoại tệ khá lớn về vấn đề kết hối thì sao?

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Tập đoàn Dệt may hiện nắm giữ khá lớn lượng ngoại tệ, chúng tôi sẵn sàng kết hối nhưng điều quan trọng là khi bán thì dễ nhưng liệu khi chúng tôi mua, ngân hàng có gây khó hay không?”.

Giám đốc tài chính tập đoàn này cũng đồng tình với quan điểm trên nhưng băn khoăn: “Trong bối cảnh này, nếu không kết hối thì sẽ loạn giá ngoại tệ nhưng vấn đề là kết hối ở giá nào cho doanh nghiệp đỡ thiệt!”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người dân hiện quá quen với sử dụng giao dịch qua ngân hàng; đồng thời, hoạt động quản lý thị trường ngoại tệ trên thị trường chính thức và tự do đã tốt hơn trước đây.

Vì thế, nếu đáp ứng được nhu cầu người dân giữa việc sử dụng hai đồng tiền thì lo ngại về kết hối không còn đáng kể. Mặt khác, theo chế độ quản lý tiền mặt, nhất là ngoại tệ, việc rút tiền khỏi ngân hàng buộc phải có lý do, chứ không thể tùy tiện gửi vào rút ra.

Thực ra, kết hối là biện pháp hành chính không mong muốn nhưng qua đó, sẽ thấy thêm một vấn đề khác. Đó là tại sao doanh nghiệp không tự giác bán ngoại tệ, nhất là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, vốn nắm giữ lượng ngoại tệ rất lớn trong nền kinh tế?

Theo một chuyên gia, vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng không thể không đề cập tới lý do từ động thái nới biên độ tỷ giá lên +/- 5%.

Ông này phân tích, tại thời điểm ngày 23/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành một số quyết định liên quan đến chính sách tỷ giá (không được bán vượt trần biên độ) và thị trường tương đối ổn định. Cụ thể, thị trường tự do ở mức 17.750 VND/USD so với trần biên độ được phép của Ngân hàng Nhà nước là 17.695 VND/USD, tính thanh khoản tốt.

Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện nới biên độ từ +/- 3% lên +/- 5%, lập tức, tỷ giá tăng ngay vào ngày hôm sau. Phải chăng, phía nắm giữ ngoại tệ kỳ vọng tỷ giá còn tăng nên găm lại chờ ăn chênh lệch?

“Lòng tin nơi quyết sách của cơ quan điều hành mới là biện pháp ổn định thị trường tốt nhất, đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp gặp khó khăn”, ông này “chốt” lại.

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy