1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải tìm đến "tín dụng đen"

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, cộng đồng những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen" với chi phí vốn cao.

Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện.
Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng đến 60% tín dụng đen

Điều phối tại phiên thảo luận về Tái cấu trúc thị trường Vốn - Tài chính Việt Nam tại Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính diễn ra sáng nay (21/8), ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp lớn và có quy mô trung bình.

"Tuy nhiên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen", ông Thành nhận định.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có cấu trúc vốn. Từng tham gia cấu trúc nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chia thành 3 loại, trong đó, phần lớn là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp.

"Nhóm doanh nghiệp này không biết gì về vốn trong khi việc tiếp cận ngân hàng, gặp nhiều khó khăn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen", ông Hùng nói.

Ông cũng chi ra rằng, tín dụng đen hiện rất dễ tiếp cận khi chỉ cần tìm kiếm cụm từ 'cho vay vốn' trên internet sẽ ra khoảng 20 triệu kết quả.

"Thị trường có nhiều loại hình cho vay, nhưng chi phí sử dụng tương đối cao. Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen", ông Hùng thông tin.

"Tín dụng đen" không hẳn là xấu

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi tới các vị chuyên gia về khi kinh nghiệm xử lý vấn đề tín dụng đen tại các nước khác trên thế giới. Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông cũng nhắc tới vấn đề siết chặt thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.

Trả lời câu hỏi của đại diện Chính phủ Việt Nam, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho rằng, Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, cũng như có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức.

Vị chuyên gia cho rằng, "đen" ở đây không hoàn toàn là xấu, vì cũng góp phần tạo điều kiện cho người vay tiền. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả.

"Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những tín dụng đen như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này. Cùng với đó là công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, trong khi đó, nhà nước, cần có biện pháp quản lý thị trường này hiệu quả", ông Warrick Cleine nói.

Ngoài ra, ông Warrick Cleine cũng cho rằng, các ngân hàng cần có thủ tục gọn nhẹ để người dân tiếp cận khoản vay một cách hiệu quả.

"Ví dụ, một người nông dân muốn vay để mua một con bò cần tín chấp như thế nào, điều này cũng hoàn toàn khác với khoản vay của các doanh nghiệp. Do đó, chúng ra cần có cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào khoản vay, quy mô và đối tượng", ông Warrick Cleine nói.

Còn theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông A. Alatabani, hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay; hoặc công cụ khác như Fintech.

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng quỹ tín dụng đen không phải xấu. Thậm chí với thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng cũng hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước thực tiễn do cung cầu mà hình thức này tồn tại.

"Có hai cách tiếp cận với tình trạng này, đó là làm sao hợp thức hoá được, cơ quan thuế cần có bằng chứng ở mức độ hợp lý, như ở nhiều nước, họ phải tính toán một tỷ lệ nào đó phù hợp. Thứ hai là chúng ta phải nghiên cứu sử dụng dịch vụ về thuế, đơn cử thuế tư nhân... để giải trình hợp lý", ông nói.

Phương Dung

Doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải tìm đến "tín dụng đen" - 2