1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chuyên gia hàng không: Việt Nam chỉ có thể đầu tư hàng không giá rẻ

(Dân trí) - "Đến tận bây giờ, tôi cho rằng ở Việt Nam chỉ có thể đầu tư hàng không giá rẻ. Chọn sai mô hình kinh doanh thì vô vọng, giống như mang hàng hiệu về chợ quê bán vậy, không "thuốc" nào "chữa" nổi", TS Lương Hoài Nam chia sẻ.

Chuyên gia hàng không: Việt Nam chỉ có thể đầu tư hàng không giá rẻ - 1

Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong bảy thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn từ năm 2014 đến 2017 với tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế đạt 6,9% và vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6% mỗi năm. Ở thị trường nội địa, theo dự báo của Cục Hàng không, những năm tới tốc độ tăng trưởng vẫn giữ ở mức 2 con số.

Trước bối cảnh hàng loạt hãng hàng không mở rộng đầu tư, xin gia nhập thị trường, ông Lương Hoài Nam - chuyên gia trong lĩnh vực hàng không dự báo: "So với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, số lượng 5 hãng hàng không ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Nhìn những gì đã và đang xảy ra ở thị trường hàng không Thái Lan, tôi nghĩ Việt Nam trong tương lai có thể có đến 10 hãng hàng không, điều đó rất tốt cho người tiêu dùng và nền kinh tế, đặc biệt là cho ngành du lịch. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần có thêm nhiều hãng hàng không tư nhân, hiện mới chỉ có một hãng hàng không tư nhân là VJA mà đã nhìn thấy rõ những lợi ích họ tạo ra".

"Nhưng dưới góc độ đầu tư tư nhân, các nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vào hàng không. Nếu anh bán vé máy bay với giá của xe khách, kiểu gì anh chẳng lấp đầy được chuyến bay? Vấn đề là, với giá vé máy bay quá rẻ, anh có lãi được không? Hàng không không phải là lĩnh vực đem lại tỷ suất lợi nhuận cao và chứa đựng nhiều rủi ro đầu tư. Biến động giá xăng dầu là rủi ro đầu tư lớn nhất, khi giá xăng dầu giảm xuống, các hãng hàng không đua nhau giảm giá để tăng thị phần, vì họ thấy giảm giá vẫn còn có lãi. Nhưng khi giá xăng dầu tăng trở lại, việc tăng giá vé để bù đắp chi phí là rất khó khăn. Họ phải cố đoán xem các đối thủ cạnh tranh có tăng giá theo không? Rồi dư luận có phản ứng không?", vị chuyên gia cảnh báo.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, đối với đầu tư hàng không ở Việt Nam, các khó khăn về hạ tầng sân bay khá lớn. Nhà đầu tư hàng không cần phải quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể: Quầy làm thủ tục, phòng chờ, cửa ra máy bay, sân đỗ máy bay, nơi bảo dưỡng máy bay...

Chia sẻ về lý do cốt lõi khiến nhiều hãng hàng không tại Việt Nam “chết yểu", ông Nam nói: "Có hai hãng hàng không tư nhân đã ngừng bay. Theo tôi, những gì có thể gọi là "chưa đúng" của họ nằm ở mô hình kinh doanh, loại máy bay, tổ chức quản trị. Cả hai hãng này đều chọn mô hình hàng không truyền thống, chưa phù hợp với điều kiện thị trường hàng không Việt Nam".

"Đến tận bây giờ, tôi cho rằng ở Việt Nam chỉ có thể đầu tư hàng không giá rẻ. Chọn sai mô hình kinh doanh thì vô vọng, giống như mang hàng hiệu về chợ quê bán vậy, không "thuốc" nào "chữa" nổi. Cộng thêm những bất cập về lựa chọn loại máy bay, tổ chức quản trị thì sự thất bại càng dễ hiểu. Một số người nêu nghi vấn về cái gọi là "cạnh tranh không lành mạnh", nhưng tôi không thấy cơ sở nào để kết luận như vậy. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu", ông nói thêm.

Cũng theo phân tích của vị chuyên gia, một hãng hàng không hàng hoá đã ngừng dự án trước khi bay là quyết định thông minh bởi thị trường hàng hoá hàng không của Việt Nam còn quá nhỏ để một hãng hàng không chuyên vận tải hàng hoá có thể thành công. Nền kinh tế và quy mô GDP nước ta chưa tạo ra đủ thị trường cho một hãng hàng không chuyên hàng hoá.

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Đình Bá thì cho rằng, một trong số những thách thức khi gia nhập thị trường đối với các hãng hàng không còn là vốn pháp định để đảm bảo duy trì hoạt động và chịu trách nhiệm trước các đối tác.

"Ngành hàng không là phương tiện vận tải nhanh nhất song đòi hỏi rất khắt khe trình độ quản lý khoa học công nghệ, quản lý an toàn bay, quan hệ quốc tế, vấn đề quốc phòng, an ninh và đặc biệt là trình độ quản lý kinh tế. Nhiều hãng hàng không nước ta đã phải trả giá rất đắt về quản lý kinh tế, hoạt động thua lỗ phá sản, đang trút gánh nợ lên đầu nhà nước mà nhân dân gánh chịu…", ông Bá cho hay.

Ngoài ra, theo ông Bá: "Với Việt Nam, trình độ quản lý kinh tế, hạch toán kinh doanh hàng không lại càng yếu, tính toán hiệu quả kinh tế “đường bay vàng” còn chưa tính nổi thì ồ ạt thành lập hãng bay để làm gì. Việt Nam hiện nay đang lãng phí đường bay vòng nội địa bình quân 350 triệu USD/ năm. Từ 2014 đến nay không triển khai được đường bay thẳng theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lúc đó thì thật là vô lý. Mọi lãng phí hàng không đang trút nợ lên đầu nhân dân phải gánh".

"Phát triển các hãng hàng không để khai thác tiềm năng hạ tầng hàng không là cần thiết song không thể ồ ạt theo kiểu “đa cấp", theo kiểu phát triển ồ ạt tàu biền, cảng biển, sân bay mà nền kinh tế phải trả giá. Đặc biệt ngành hàng không nước ta đang đối mặt với thua lỗ nặng nề , để lại gánh nợ nhiều tỷ USD cho Chính phủ mà không kém gì Vinashin, Vinalines…", vị chuyên gia lưu ý thêm.

Phương Dung