1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chứng khoán Sao Việt triệu tập cổ đông bàn giải thể, chia tiền

(Dân trí) - Sau 3 năm kinh doanh thua lỗ liên tục, đến 30/6/2013, lỗ luỹ kế của SVS đã vượt 86 tỷ đồng, chiếm gần 70% vốn điều lệ. Công ty đã rút bớt nghiệp vụ môi giới chứng khoán và lưu ký chứng khoán, đồng thời giảm số lượng nhân viên xuống còn 7 người.

CTCP Chứng khoán Sao Việt (SVS) vừa gửi thông báo mời họp đến các cổ đông trong công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án giải thể công ty và phương án thanh lý tài sản, chia tiền cho cổ đông. Cuộc họp này sẽ bắt đầu từ 8h ngày 4/9/2013 tại Hà Nội.

Chứng khoán Sao Việt thành lập tháng 12/2006, thời điểm hoàng kim của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ mức vốn điều lệ khởi điểm 20 tỷ đồng, sau 1 năm, vốn điều lệ công ty tăng lên 135 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2007. Tuy nhiên, khi khủng khoảng kinh tế năm 2008 bắt đầu giáng những đòn nặng lên thị trường tài chính, cũng như nhiều công ty chứng khoán khác, SVS bắt đầu lao dốc.

Chứng khoán Sao Việt triệu tập cổ đông bàn giải thể, chia tiền
Sau thời gian phát triển nóng, thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự ra đi của hàng loạt CTCK do không vượt qua nổi khủng hoảng.

Ngày 2/1/2013, công ty phải rút nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán. Ba tháng sau đó, công ty nhận quyết định hủy niêm yết cổ phiếu SVS của Sở GDCK Hà Nội do có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục.

Năm 2010 lỗ 21,37 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 38,22 tỷ đồng và năm 2012 tiếp tục lỗ 34,61 tỷ đồng. Đến ngày 10/5/2012, cổ phiếu SVS chính thức hủy niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội.

Tại báo cáo tài chính giữa niên độ được soát xét bởi kiểm toán AASC, đơn vị kiểm toán lưu ý, tại thời điểm 30/6/2013, lỗ lũy kế của công ty đã ở mức 86,06 tỷ đồng, chiếm 67,74% vốn điều lệ.

Sau khi công ty thực hiện rút bớt nghiệp vụ môi giới chứng khoán và lưu ký chứng khoán, đồng thời giảm số lượng nhân viên xuống còn 7 người, cơ quan kiểm toán đã đưa ra “nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”.

AASC cũng nhận định, mặc dù công ty đã lập BCTC trên cơ sở hoạt động liên tục theo giả định về triển vọng khả quan của tình hình kinh doanh trong thời gian tới, nhưng tại ngày lập báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán “không thể thu thập được các bằng chứng chắc chắn về tình hình hoạt động liên tục của công ty do các yếu tố đảm bảo về khả năng hoạt động liên tục phục thuộc vào các yếu tố bên ngoài, không phụ thuộc vào sự kiểm soát của công ty”. Hay nói cách khác, SVS đã đánh mất khả năng kiểm soát về sự tồn tại của mình.

Cũng theo rà soát của kiểm toán, tại thời điểm 30/6, giá trị khoản đầu tư vào các chứng khoán chưa niêm yết là 45,14 tỷ đồng, giá trị dự phòng đã trích lập là 19,83 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không xác định được giá trị thị trường tại trích lập hiện tại nên phía kiểm toán cho biết không đủ cơ sở để đánh giá mức độ hợp lý của khoản dự phòng đã trích lập.

Sự ra đi của chứng khoán Sao Việt cũng như một số công ty chứng khoán trước đó là kết quả của một quá trình phát triển nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn sơ khai.

Thời điểm hoàng kim, các công ty chứng khoán mọc lên như nấm, con số lên đến 105 công ty ở thời điểm hiện nay. Đến lúc vấp phải khó khăn, hầu hết các công ty đều không vượt qua nổi, có công ty tuyên bố giải thể, có công ty tìm cách sáp nhập, một số công ty đóng băng hoạt động để chờ thời và cố giữ giấy phép kinh doanh…

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, sẽ có khoảng 70% số lượng các công ty chứng khoán trên thị trường hiện nay sẽ phải rời cuộc chơi, rút gọn số lượng còn khoảng 30 công ty là hợp lý.

Mai Chi