1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán lao dốc do tâm lý sợ hãi thái quá của nhà đầu tư

(Dân trí) - Theo nhận định của ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN, chuỗi giảm sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua xuất phát từ tâm lý sợ hãi thái quá của nhà đầu tư, thêm vào đó là tình trạng tung tin đồn thất thiệt, thao túng giá cổ phiếu đã có dấu hiệu quay trở lại chi phối.

Theo thống kê, kể từ đầu năm 2016 đến nay, trải qua gần 3 tuần giao dịch, chỉ số VN-Index có tổng cộng 3 phiên tăng so với 11 phiên giảm. Đặc biệt, có những phiên giảm rất mạnh như ngày 18/1, thị trường giảm gần 17 điểm. Hai phiên 20/1 và 21/1 cũng đã cuốn trôi toàn bộ nỗ lực của phiên hồi phục mang tính kỹ thuật của ngày 19/1.

So với cuối năm 2015, đến thời điểm đóng cửa phiên 21/1, tổng cộng VN-Index đã “bốc hơi” hơn 57 điểm, tương ứng sụt giảm 9,86%.

Trước tình hình này, ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những chia sẻ khá cởi mở với phóng viên bên lề Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2020 sáng nay (22/1/2016).

Ông Vũ Bằng cho rằng, nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với những thông tin bên ngoài cũng như chịu tác động bởi các tin đồn thất thiệt
Ông Vũ Bằng cho rằng, nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với những thông tin bên ngoài cũng như chịu tác động bởi các tin đồn thất thiệt

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chuỗi giảm sâu của thị trường chứng (TTCK) Việt Nam trong những phiên giao dịch đầu năm 2016?

Trong thời gian vừa qua, những diễn biến kinh tế và TTCK Trung Quốc đã có những tác động đến TTCK toàn cầu. Không chỉ TTCK Việt Nam mà cả TTCK Mỹ, Nhật Bản và các TTCK khác trên thế giới và khu vực đều bị tác động, ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, phản ứng tâm lý của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam hơi thái quá so với sự tác động thực sự của TTCK Trung Quốc và kinh tế thế giới đối với Việt Nam.

Vào thời điểm tháng 8 năm ngoái, khi TTCK Trung Quốc đi xuống, đồng Nhân dân tệ mất giá, giá dầu trượt dốc thì tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh và chứng khoán Việt Nam tại thời điểm đó đã mất 15%. Trên thực tế, sau đó khi tâm lý đã ổn định trở lại thì mức ảnh hưởng chỉ khoảng 2%.

Nhìn lại những phiên giao dịch vừa rồi, theo đánh giá của chúng tôi, sự ảnh hưởng về mặt tâm lý trên thị trường là hơi cao.

Ngoài tác động tâm lý từ các yếu tố bên ngoài như vừa đề cập, còn có những lý do nào khác hay không, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, một số bình luận, phân tích của các công ty chứng khoán là chưa thực sự chuẩn, chưa thực sự khách quan. Chúng tôi đang giám sát các hoạt động nhận định của các công ty chứng khoán và có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu phải chấn chỉnh việc này.

Chúng tôi cũng đang tăng cường việc giám sát các hoạt động mua bán trên thị trường để xử lý kịp thời những hành động lợi dụng để thao túng theo lợi ích không đúng quy định.

Ngoài ra, có một số thông tin, tin đồn hoàn toàn không đúng trên thị trường cũng đã tác động đến tâm lý.

Theo nhìn nhận của Ủy ban chứng khoán, bản thân kinh tế vĩ mô của Việt Nam có triển vọng rất tốt, đây không chỉ là nhận định của cơ quan quản lý mà của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức này đánh giá, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong 2016 đứng thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng! Họ cũng đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam.

Chúng ta biết rằng, chứng khoán Việt Nam đang ở trong mức thấp mà hồi phục lên chứ không phải trong trạng thái một thị trường bong bóng. Cho nên, mức độ ảnh hưởng của Việt Nam thấp hơn các nước khác.

Chúng tôi cũng lưu ý, mối liên thông của TTCK Việt Nam với TTCK Trung Quốc là rất hạn chế. Chính vì vậy, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến những vấn đề của thị trường này. Sự ổn định về tâm lý cũng như sự phối hợp của các công ty chứng khoán, các tổ chức niêm yết trong việc bình ổn thị trường là rất quan trọng để tránh gây ảnh hưởng và thiệt hại với các nhà đầu tư.

Hiện nay trong khi có những mã cổ phiếu bị bán tháo mạnh mẽ trên thị trường và nhà đầu tư đang chờ đợi tiếng nói phản hồi từ phía doanh nghiệp, thế nhưng bao trùm vẫn là sự im lặng giữa những tin đồn bủa vây. Ông đánh giá ra sao về tình trạng này?

Từ trước đến nay, khi có biến động mạnh trên thị trường, chúng tôi đều yêu cầu các doanh nghiệp phải có công bố về thông tin.

Chúng tôi cũng phải nhấn mạnh nhiều lần rằng: Các nhà đầu tư phải nghe thông tin chính thống từ cơ quan quản lý chứ không nên vội vã nghe những tin đồn. Thực tế, những tin đồn tung ra thị trường vừa qua đều đã bị bác bỏ và chúng tôi cho rằng không chính xác.

Liên quan đến những “mảng tối” trong vấn đề công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, UBCKNN đã có những hành động gì?

Vừa qua, chúng tôi đã có những điều chỉnh pháp lý trong việc minh bạch, công bố thông tin. Ví dụ như, các quy định về điều chỉnh pháp lý trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, kể cả công bố thông tin của các doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra đối với những doanh nghiệp công bố thông tin không chính xác, sau đó lại công bố thông tin đính chính, tạo ra vênh số liệu. Thêm vào đó, giữa thông tin mà doanh nghiệp cung cấp và báo cáo kiểm toán có độ vênh. Với những trường hợp này, chúng tôi đều đã có những quy định mới và tổ chức những đoàn kiểm tra chuyên đề với doanh nghiệp.

Khi có dấu hiệu bất thường, chúng tôi đều yêu cầu có giải trình và có những cuộc kiểm tra chuyên đề đối với doanh nghiệp để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp

 

Chứng khoán lao dốc do tâm lý sợ hãi thái quá của nhà đầu tư - 2