1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chứng khoán: Lạc quan và... hụt hẫng

(Dân trí) - Chuỗi ngày "xanh" ngắn ngủi với mức tăng trưởng ấn tượng 20% của VN-Index trong tháng đầu năm chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư khi chứng khoán vừa thoát bi kịch "phi sản xuất" lại bị đưa vào diện "không khuyến khích".

Chứng khoán: Lạc quan và... hụt hẫng - 1
Là một thực thể quan trọng trong huy động vốn của nền kinh tế nhưng chứng khoán không nằm trong diện ưu tiên, vẫn phải chờ.

Năm 2012, khi người cầm tiền vẫn còn băn khoăn nên chọn kênh đầu tư nào để rót vốn thì bất động sản và chứng khoán vẫn nín thở chờ những tín hiệu của cơ quan điều hành trong việc tháo nút khó khăn.

Thấp thỏm hy vọng

Trong chương trình tái cơ cấu đồng bộ nền kinh tế của Chính phủ có nhấn mạnh đến việc phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường mua bán nợ. Từ đó thúc đẩy cổ phần hóa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn từ thị trường tài chính phục vụ cho tái cơ cấu vốn của doanh nghiệp.

Vai trò của việc phục hồi thị trường này trong bài toán chung của nền kinh tế cũng được tái khẳng định nhiều lần từ những người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính…

Tại các cuộc tiếp xúc với báo chí gần đây cũng như trong phiên giao lưu trực tuyến với nhân dân nhân dịp đầu năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng sau một loạt những phân tích rằng khi người dân đã “bí” kênh đầu tư, “tắc” ở vàng, bất động sản, ngoại tệ thì họ sẽ đầu tư vào chứng khoán như một lời đinh ninh, chắc chắn.

Ông nhấn mạnh quan điểm của NHNN cũng như của Chính phủ là sẽ tìm giải pháp để phát triển thị trường vốn, thay vì hiện nay hầu như nguồn vốn xã hội đều dựa vào thị trường tiền tệ. Sự chuyển hướng này được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng vốn đang “căng như dây đàn” vì thanh khoản.

Mặc dù không nói cụ “giải pháp cụ thể thời gian tới là những bước nào” song người đứng đầu cơ quan tiền tệ quốc gia cũng hé lộ rằng “ thời gian tới, để cải thiện thị trường chứng khoán, ngân hàng có thể sử dụng một lượng vốn nhất định trong tỷ lệ cho phép để cho vay chứng khoán.

Tất nhiên, đúng như ông nhận định, “việc ngân hàng bơm vốn để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất” tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc hứa hẹn “ngân hàng cho vay một tỷ lệ nhất định” cũng sẽ tác động phần nào đến tâm lý đang “bế tắc” của nhà đầu tư.

Và như một động thái khích lệ tinh thần, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ ngay trong phiên giao dịch đầu tiên cũng đã lạc quan cho rằng, năm 2012, dù kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều rủi ro thì trong “cái khó sẽ ló cái khôn”, tình hình sẽ “tiền hung hậu cát”.

Ông khẳng định, cùng với các giải pháp quyết liệt về kỹ thuật, cơ quan quản lý sẽ đảm bảo cho thị trường ngày một thông suốt, hiện đại và minh bạch hơn. “Các nhà đầu tư yên tâm, tin vào Chính phủ, vào các chính sách tái cấu trúc thì thị trường chứng khoán sẽ vượt qua khó khăn, sẽ có tăng trưởng hơn so với năm 2011”, lãnh đạo Bộ Tài Chính nói như vậy.

Bên cạnh sự ra đời của bộ chỉ số VN30, việc ban hành thông tư về quỹ mở của Bộ Tài chính thì những tuyên bố của trên đã phần nào xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Kỳ vọng về mức giảm liên tục của lạm phát, sự ủng hộ của nhà chính sách, những khẳng định về tính ổn định trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng… đã kích thích thị trường liên tục tăng điểm trong những phiên giao dịch đầu năm, đặc biệt là các cổ phiếu trong rổ VN30 tăng mạnh. Trong tháng cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 20% của VN-Index.

Thậm chí, hai sở giao dịch chứng khoán còn dự báo, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sẽ vào khoảng con số 60 doanh nghiệp và sẽ tăng mạnh hơn vào cuối quý II.

Cùng với đó, quy định nâng tiêu chuẩn niêm yết đối với các doanh nghiệp dự kiến được ban hành và áp dụng ngay trong quý I/2012 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và hiệu quả kinh doanh tốt lên sàn, đồng thời thanh lọc các công ty có chất lượng kém.

Cơ hồ, tương lai chứng khoán có vẻ sẽ không còn quá u ám như thời điểm năm 2011.

Chứng khoán: Lạc quan và... hụt hẫng - 2

Tránh thị trường giảm sâu, nhà đầu tư thận trọng vẫn cần tăng giữ tiền mặt (ảnh minh họa).

“Hụt hẫng”

Tuy nhiên,  như một “gáo nước lạnh”, trong phiên họp báo ngày 14/2 về triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến tuyên bố, do vẫn tập trung vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ và kiềm lạm phát nên những lĩnh vực "không khuyến khích" như chứng khoán, bất động sản sẽ không được ưu tiên mặc dù thừa nhận chứng khoán vẫn là “một thực thể của nền kinh tế”.

Như vậy, trước quyết định “không cứu” của NHNN thì tỷ trọng cho vay chứng khoán so với tổng dư nợ năm 2012 của các ngân hàng tối đa là 16%, không đổi so với năm 2011. Nhà đầu tư cũng không hy vọng sẽ vay được ngân hàng với lãi suất thấp hơn trước khi vẫn nằm trong diện hạn chế của nhiều nhà băng vốn đang “đau đầu” về thanh khoản hiện nay.

Kết thúc năm 2011, có tới 63 công ty chứng khoán thông báo thua lỗ. Nhiều công ty còn sử dụng tiền nhà đầu vào mục đích riêng nên những nghi ngại trên thị trường càng gia tăng. Sang năm 2012, nhiều nghi ngại cho rằng, chứng khoán sẽ vẫn còn “ngủ đông” trong 6 tháng đầu, thậm chí thời gian đó vẫn có thể là chưa đủ để các công ty giải quyết được các vấn đề nội tại của mình.

Do không nằm trong diện ưu tiên nên ngoài việc tự tái cơ cấu, thanh lọc thị trường, giảm bớt những công ty không lành mạnh trong hơn 100 công ty hiện tại thì chỉ còn cách chờ các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định dần, từ chỉ số lạm phát cho đến thanh khoản, lãi suất ngân hàng…

Thiết nghĩ, để tránh bi quan cho thị trường và giúp nhà đầu tư giải tỏa được vấn đề tâm lý, Ngân hàng Nhà nước cũng như đại diện các Bộ ngành trung ương, Chính phủ cần có những tuyên bố rõ ràng cụ thể hơn với lộ trình chính sách của mình.

Trong khi đó, nhà đầu tư, có lẽ vẫn phải chọn phương án cẩn trọng và quyết đoán, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để ứng phó với khủng hoảng, với biến động của thị trường. Một khi những yếu tố vĩ mô vẫn chưa chắc chắn (lạm phát tháng 2 dự kiến 1,5%, cao hơn tháng 1; tín hiệu chính sách chưa cụ thể) thì nhà đầu tư nếu không muốn mạo hiểm nên tăng cường nắm giữ tiền mặt để tránh rủi ro thị trường giảm sâu.

Bích Diệp