1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chưa đến Tết, hàng hoá đã rục rịch tăng giá

Trong vòng một tuần nay, giá cả nhiều nhóm hàng tiêu dùng tết đã đồng loạt tăng. Đáng chú ý là rau củ tại các chợ bán lẻ vừa tăng giá vừa khan hàng.

Chưa đến Tết, hàng hoá đã rục rịch tăng giá - 1
Rau củ ở các chợ lẻ tăng giá trong khi ở các chợ sỉ ế và giảm giá (ảnh: SGTT).

Rau củ: chợ lẻ giá tăng, chợ sỉ ế

Do giá tăng, khách mua ít, các chủ sạp cũng không lấy hàng nhiều, xảy ra tình trạng chưa hết buổi chợ một số sạp hết loại rau này, loại rau kia. Trong khi đó, ở một số chợ đầu mối, lượng hàng cũng như giá cả tại đây không hề có biến động.

Tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức, giá một ký cà chua 1.000 - 3.000 đồng/kg, các loại cải 3.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại lên đến 8.000 - 10.000 đồng/kg tuỳ loại.

Từ hơn một tuần nay, lượng rau củ tại chợ đầu mối dội chợ vào cuối phiên, theo ban quản lý thì “giá bán như cho” cũng không có người mua. Theo ban quản lý chợ, nguyên nhân chính là do việc cấm xe ba gác tự chế khiến tiểu thương chợ lẻ không có phương tiện chở hàng.

Nhiều tiểu thương cũng phản ánh họ phải sử dụng xe máy chở rau củ, số lượng được ít mà chi phí lại đội lên khá nhiều. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng hàng ở chợ đầu mối thì dư thừa, giá rẻ mạt, trong khi chợ lẻ thì khan hiếm, giá tăng.

Hải sản khan hàng

Hơn một tuần nay, giá nhiều mặt hàng thuỷ hải sản tăng khá mạnh. Ban quản lý chợ Bình Điền cho biết, giá cả trong tuần có sự thay đổi ở một số mặt hàng như cá bạc má, nục, ngân, ngừ, đổng... tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg; cá thu, kèo, tép bạc tăng 5.000/kg, mực ống tăng 30.000 - 35.000 đồng/kg, mực lá tăng 40.000 - 65.000 đồng/kg.

Theo một số đầu mối cung cấp thuỷ hải sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, sản lượng đánh bắt cuối năm giảm rõ rệt do ngư dân nghỉ tết sớm.

Ông Nguyễn Văn Huân, chủ vựa hải sản ở chợ cá Kiên Giang chuyên cung cấp cho chợ đầu mối Bình Điền cho hay, so với cách đây khoảng một tháng, giá cá tại nguồn tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg do sản lượng đánh bắt giảm mạnh.

“Số tàu khai thác về cập bến giảm khoảng 50%, chỉ còn một số tàu thuyền đánh bắt ở gần bờ để kiếm tiền tiêu tết chứ ít có tàu nào khai thác xa bờ vào thời điểm này. Từ nay đến ra ngoài ngày 10 tháng chạp là ngư dân nghỉ tết, không đi đánh bắt nữa”, ông Huân nói vậy.

Bánh, kẹo, mứt tăng giá do phải chứng minh xuất xứ

Mứt gừng, mứt bí, mứt khoai, mứt càrốt, đu đủ… cũng đã tăng giá 5.000 - 10.000 đồng/kg trong tuần qua. Theo tiểu thương chợ sỉ, giá tăng do nhu cầu khách mua nhiều, nguyên liệu từ các nguồn bị giảm, giá đường tăng đã đẩy giá tăng.

Trong khi đó, chủ cơ sở mứt tại quận 3 cho rằng: “Giá mứt trong siêu thị ổn định, ở chợ tăng vì lâu nay các sạp đều mua từ nguồn cơ sở sản xuất các tỉnh hoặc lấy hàng không rõ nguồn gốc. Nay trước áp lực cần phải có giấy chứng minh xuất xứ hàng hoá, chủ sạp chợ vào cơ sở sản xuất mứt có thương hiệu lấy hàng thì các cơ sở này đã được siêu thị thu mua hết. Hiếm hàng có nguồn gốc rõ ràng để bán, nên giá tăng”.

Một số loại bánh phủ sôcôla nhập từ châu Âu giá tuần trước là 170.000 đồng/hộp, tuần này 185.000 đồng/hộp. Kẹo sôcôla hộp in hoa văn nổi từ mức 140.000 đồng/hộp đã tăng 152.000 đồng/hộp. Loại bánh hộp thiếc từ 500g trở lên từ 450.000 đồng/hộp đã lên đến 550.000 đồng/hộp.

Chủ một shop thực phẩm ở quận 1 cho rằng: “Khách đặt mua hàng nhập làm quà biếu quá nhiều, một số shop không tiên lượng được sức mua, không có hàng để bán nên giá tăng”. Bà chủ này cho biết đã liên tục gọi điện cho các công ty nhập khẩu và phân phối hàng ngoại, dù là mối tiêu thụ cả chục năm qua, nhưng vẫn không lấy được hàng.

Theo Nhóm phóng viên
Báo SGTT