1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ocean Group: Vượt qua biến cố ông Hà Văn Thắm bị bắt "không dễ dàng"

(Dân trí) - Sau vụ việc ông Hà Văn Thắm bị bắt hồi cuối năm 2014, mặc dù bị gián tiếp ảnh hưởng nhưng thương hiệu Ocean Group bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều lĩnh vực bị tạm gác, những dự án bất động sản ở những vị trí đắc địa cũng phải nhượng lại; liên tục bị gây sức ép, khởi kiện, thậm chí bị các công ty đòi nợ thuê đến đòi nợ.

Gửi thông điệp đến cổ đông và nhà đầu tư, ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - mã OGC) nêu: "Vượt qua giai đoạn khó khăn sau biến cố xảy ra năm 2014 quả thật không dễ dàng đối với Ocean Group".

Bóng tối của vụ bắt giữ ông Hà Văn Thắm vẫn còn bủa vây Ocean Group dù hơn 2 năm đã trôi qua
"Bóng tối" của vụ bắt giữ ông Hà Văn Thắm vẫn còn bủa vây Ocean Group dù hơn 2 năm đã trôi qua

Biến cố mà ông Thụ nhắc ở đây không gì khác chính là sự kiện ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch tập đoàn này bị bắt tạm giam vào tháng 10/2014 để điều tra về những sai phạm cá nhân trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó là một loạt cán bộ cấp cao của Ocean Bank đã dính vào vòng lao lý. Đến tháng 4/2015, công ty liên kết của tập đoàn này là Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Số người liên quan đến vụ án này nhiều đến nỗi, trong phiên xét xử hồi tháng 2 vừa rồi có tới 48 bị cáo bị xét xử về các tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; 50 luật sư tham gia bào chữa.

Số người là nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đại diện các đơn vị chủ quản được tòa triệu tập lên tới gần 600 người. Đây là con số kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay trong các phiên xử án tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Ông Thụ nêu trong văn bản gửi cổ đông: "Chúng tôi đã phải thu hẹp phạm vi hoạt động, tạm gác lại các lĩnh vực từng được đánh giá là bước đột phá của một doanh nghiệp tư nhân vươn tới chiến lược phát triển đa ngành, như bán lẻ, truyền hình,... Những dự án bất động sản ở những vị trí đắc địa cũng phải nhượng cho các đối tác do điều kiện lúc đó không cho phép chúng tôi huy động được nguồn vốn lớn để thực hiện".

Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, mục tiêu của Ocean Group là điều chỉnh kế hoạch và lĩnh vực hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc bộ máy vận hành, tập trung mọi nguồn lực vào những dự án trọng yếu.

Mặc dù vậy, kết quả năm 2016 cũng chẳng khấm khá gì hơn đối với Ocean Group khi tiếp tục ghi nhận thua lỗ 730,8 tỷ đồng trước thuế và 794,3 tỷ đồng sau thuế. Lỗ trên mỗi cổ phiếu là 2.426 đồng. Với con số lỗ lũy kế vào cuối năm 2016 lên tới gần 2.500 tỷ đồng, Ocean Group là một trong những doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu OGC của tập đoàn này cũng vì thế mà bị đưa vào diện kiểm soát kể từ 21/4/2017.

Nhìn lại, Ocean Group cho biết, 2016 là năm rất khó khăn, việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đã không đạt so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Theo đó, việc giảm sút thương hiệu làm bất lợi hơn cho công ty trong huy động vốn và tạo niềm tin từ các tổ chức tín dụng cũng như các đối tác bên cạnh thị trường bất động sản chưa thực sự thuận lợi. Nhiều dự án chậm trễ triển khai thực hiện do thiếu nguồn vốn chủ và vốn vay thương mại.

Đáng chú ý là các dự án đang thực hiện dang dở (số 7 đường Trường Chinh - TPHCM, Trung tâm thương mại Cột đồng hồ - Quảng Ninh, Khu đô thị Bắc Giang...) bị dừng vốn vay và giải ngân thương mại dẫn đến bị tạm dừng và bị thu hồi trước thời hạn. Các dự án xây lắp và do Ocean Group làm chủ đầu tư cũng bị gián đoạn do không bàn giao được (Nam Đàn Plaza), cán bộ nhân viên nghỉ, thôi việc, thuyên chuyển dẫn đến khó khăn trong hoàn công quyết toán công trình.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng thừa nhận tình trạng, công nợ dở dang còn nhiều với các hợp đồng xây lắp, dịch vụ, các đối tác liên tục gây sức ép, khởi kiện, thuê các công ty đòi nợ để thu hồi nợ.

Các dự án hợp tác với nhiều bên chồng chéo, thiếu vốn về thi công trong khi Ocean Group liên tục phải thực hiện việc nộp thuế, tiền thuê đất, sử dụng đất. Đây là một chi phí lớn trong lúc tập đoàn này đang gặp khó khăn về vốn.

Trong khi đó, việc thu hồi nợ lại khó khăn, các khoản hỗ trợ vốn thiếu tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo giá trị không cao gây khó khăn trong việc thu hồi, cơ cấu công nợ và gia tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư dự án.

Ngoài ra, việc xảy ra với nguyên nhân khách quan do cơ quan quản lý Nhà nước khởi tố vụ án tại Ngân hàng Ocean Bank, theo Ocean Group, đã dẫn đến tập đoàn này mất toàn bộ vốn đầu tư (xấp xỉ 1.000 tỷ đồng) tại ngân hàng này. Các khoản công nợ gần như phải tất toán, trong đó có khoản công nợ chưa đến hạn.

Theo khẳng định được lãnh đạo Ocean Group nêu tại báo cáo thường niên thì giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp này đã qua. Hiện tại, tập đoàn đang từng bước lấy lại ổn định trong hoạt động kinh doanh, niềm tin từ các đối tác, cổ đông, cơ cấu nhân sự tổ chức công ty đảm bảo tinh gọn và hoạt động ổn định, bền vững.

Năm 2017, tập đoàn này đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.272 tỷ đồng, có lãi trước thuế 26 tỷ đồng song vẫn xác định lỗ 14 tỷ đồng sau thuế.

Bích Diệp