1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chủ nợ SME là ai?

Sau khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK SME bị bắt tạm giam, không ít chủ nợ SME đứng ngồi không yên, trước nguy cơ không biết bấu víu vào đâu để tăng khả năng thu hồi nợ.

Điểm mặt chủ nợ

 

Đến thời điểm này, BCTC quý III/2011 là văn bản mới nhất có thể tìm thấy về thực trạng tài chính của SME, vẽ ra một thực trạng tài chính khá đơn giản của Công ty. Điểm “đen” duy nhất trên BCTC của SME khiến NĐT có thể đặt câu hỏi là khoản phải thu ngắn hạn khác lên tới 565 tỷ đồng, khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn lên tới 579 tỷ đồng.

 

Hình ảnh này chỉ còn trong quá khứ, hiện NĐT không biết trụ sở của SME ở đâu
Hình ảnh này chỉ còn trong quá khứ, hiện NĐT không biết trụ sở của SME ở đâu

 

Trước đó, trong phần bổ sung thuyết minh chi tiết theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mà SME đã công bố, thời điểm 30/6/2011, Công ty chỉ ghi nhận 62 tỷ đồng phải trả, phải nộp PVFI; 24 tỷ đồng phải trả PVI; 21 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ điện tử viễn thông; 20,7 tỷ đồng đối với cá nhân ông Dương Quốc Tuấn; 22,8 tỷ đồng của BIDV - Chi nhánh Hà Thành; 21,1 tỷ đồng của CTCP Du lịch Dầu khí Sapa; 59 tỷ đồng của Công ty Đầu tư FPT; 88,5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Bảo Việt; 250 tỷ đồng của HDBank.

 

Thuyết minh BCTC của SME chỉ ra rằng, tài sản của SME không đủ để Công ty có thể thu xếp bù đắp được các khoản nợ nêu trên, nếu như chiều thu về từ “các khoản phải thu khác” của SME không được cải thiện.

 

SME thực nợ bao nhiêu?

 

Sáng 3/8/2012, ngay sau thông tin hai người đứng đầu Ban lãnh đạo SME bị bắt, HĐQT của một doanh nghiệp (xin được giấu tên) đã thực hiện nhóm họp gấp để tìm phương pháp thu hồi những khoản tiền có liên quan đến SME.

 

Sau cuộc họp bàn căng thẳng, kết luận của phiên họp HĐQT chỉ là chờ đợi. Lý do là việc đòi các khoản nợ tại SME trên thực tế đã bị bế tắc hơn 1 năm nay, chứ không phải là nỗi lo mới xuất hiện.

 

Trao đổi với PV, Tổng giám đốc của doanh nghiệp này cho hay, theo tìm hiểu từ cơ quan điều tra, doanh nghiệp của ông vẫn đứng sau nhiều chủ nợ khác. doanh nghiệp đã có đơn kiện SME ra tòa từ tháng 6/2011 và được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội thụ lý vào ngày 4/7/2011.

 

Thuyết minh BCTC của doanh nghiệp này cho thấy, đến hết năm 2011, doanh nghiệp vẫn còn “dây dưa” với SME tới hơn 313 tỷ đồng, bao gồm 156,252 tỷ đồng là khoản hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, 157,11 tỷ đồng là khoản ủy thác quản lý vốn, phản ánh số dư hợp đồng ủy thác đầu tư mà doanh nghiệp thực hiện với SME.

 

So sánh thông tin giữa BCTC của doanh nghiệp này với thuyết minh BCTC của SME, một câu hỏi đặt ra là, SME đã hạch toán các nghĩa vụ tài chính liên quan với đối tác này như thế nào? Bởi vì trong tất cả các đối tác mà SME đã liệt kê, không có đối tác nào có khoản tiền lên tới 313 tỷ đồng như vậy.

 

Ngoài ra, sự khập khiễng trong con số mà thị trường ghi nhận được về số tiền phát sinh nợ của SME tại PVI với con số mà SME đã báo cáo cũng cho thấy, BCTC của SME đã không phản ánh đầy đủ những nghĩa vụ tài chính phát sinh.

 

Theo lý giải của vị tổng giám đốc doanh nghiệp nói trên, việc SME không phản ánh đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có thể là do các khoản này đến từ các hình thức khác nhau như: hợp đồng vay vốn, hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng quản lý vốn… Các hợp đồng này, nếu hạch toán vào BCTC cũng được, mà nếu bỏ ra khỏi BCTC thì cũng khó có thể bắt bẻ. Vì thế, thực trạng nghĩa vụ tài chính của SME như thế nào, có lẽ phải chờ đến khi những nghi vấn sai phạm tại đây được các cơ quan chức năng làm rõ.

 

Theo Bùi Sưởng

ĐTCK