1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chợ xe cũ tê dại vì “chính chủ”

Chợ xe cũ đã đìu hiu vì khó khăn kinh tế, phút chốc trở nên ngắc ngoải và tê liệt vì thông tin… chính chủ hay không chính chủ.

Cảnh đìu hiu tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Ảnh chụp chiều 13/11)
Cảnh đìu hiu tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Ảnh chụp chiều 13/11)

 

Hạ giá cũng chẳng ai mua

 

Ngày 13/11, có mặt tại một số địa điểm mua bán xe máy cũ trên địa bàn Hà Nội như phố Chùa Hà, chợ xe máy Dịch Vọng, đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), chợ xe máy cũ Quảng An (Tây Hồ), PV Báo GĐ&XH ghi nhận được không khí ảm đạm chưa từng thấy.

 

Chợ xe máy cũ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) vốn nhộn nhịp là thế nhưng giờ vắng hoe không một bóng người mua. Người bán nếu không mang xe ra tút tát thì cũng tụ tập ngồi uống nước chè, tán gẫu với nhau.

 

Anh Thắng, một chủ cửa hàng ở đây cho biết: “Ngay từ mấy hôm trước khi Nghị định 71 có hiệu lực, doanh số bán xe tại cửa hàng giảm thấy rõ. Trước đây, bình thường ngày “lèo tèo” nhất tôi cũng bán được 2 chiếc, ngày cao điểm cũng “nhồi” được dăm, sáu chiếc xe máy cũ. Vậy mà, 5 ngày nay tôi không bán được chiếc nào, khách cũng chẳng thèm vào hỏi mua!”.

 

Chị chủ hàng cạnh bên cũng buồn rầu: “Trầm lắng là không khí chung rồi. Tôi đã giảm giá bán tới 2-3 triệu đồng/cái, chấp nhận chịu bán lỗ mà cũng không ai mua. Mấy ngày nay có vài khách ghé thăm nhưng họ chỉ qua xem rồi lại bỏ đi. Cái sự “chính” và không “chính chủ” đang “đập vỡ” nồi cơm của các tiểu thương mua, bán xe cũ”.

 

Dọc phố Chùa Hà - khu phố chuyên kinh doanh xe máy cũ - cảnh nhộn nhịp ngày trước đã không còn. Thời điểm làm ăn phát đạt, chỉ cần lượn xe qua đây, ngay lập tức cánh nhân viên săn hàng lại đổ xô ra đường gọi ơi ới: “Bán xe không anh/chị ơi?”. Thậm chí, các chủ hàng còn điều nhân viên tràn ra giữa đường tranh nhau chèo kéo khách nhưng giờ đây… chả ai buồn hỏi vì đầu ra èo uột.

 

“Hàng tồn cả đống, đi kèm là khối tiền “chết”, vậy thì ai còn muốn mua thêm? Cứ đà này thì chị chết đói mất em à! 3 ngày nay chưa bán được chiếc nào, cho dù chị đã chấp nhận lỗ vốn. Xe Nouvo bình thường 17 triệu, giờ chỉ bán 15 triệu, xe Click bán 25 triệu thì giờ chỉ 22 triệu mà cũng không ai thèm lấy” - chị Thanh, một chủ cửa hàng xe máy cũ ở đây than thở.

 

Ế ẩm lại phải… “lách”

 

Cùng cảnh với các tiểu thương chợ xe, những chủ phương tiện cũng không dễ dàng bán xe trong thời điểm hiện nay. Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Sơn (quận Ba Đình) trong hành trình đi bán chiếc xe máy cũ “không chính chủ” của mình. Tới phố Chùa Hà, khi hỏi bán, ngay lập tức ông nhận được câu trả lời chưng hửng của chủ hàng: “Tạm thời không nhập thêm xe”.

 

Tại chợ Dịch Vọng, xe ông bị săm soi, xét nét bởi đội ngũ thợ sửa xe và cuối cùng được nghe phán một câu thẳng thừng: “Xe không chính chủ, 4 triệu thì đây mua”. Trên tuyến đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), người mua xe lắc đầu. Ngán ngẩm với hành trình bán xe, ông Sơn phàn nàn: “Xe này tôi mới mua lại cách đây 3 tháng với giá gần chục triệu, có giấy tờ đàng hoàng. Giờ đem bán lại cứ nghĩ cũng phải được 7- 8 triệu. Ai dè…”.

 

Khi các ngõ ngách bàn tán về chuyện xe chính chủ và không chính chủ cũng là lúc chị Lê Hải Yến (quận Thanh Xuân) phải dẹp bỏ ý định đổi xe. Chị cho biết: “Tôi đang có ý định đổi xe vào thời điểm này nhưng với tình trạng này thì xe cũ bán ai mua? Với cái đà này thì tôi phải tích góp ít lâu nữa mới đủ tiền để mua xe mới. Còn chiếc xe cũ thì làm cái giấy “ủy quyền” cho cô em út đút cốp dùng tạm, khi bị công an “tuýt còi” thì lôi ra ứng cứu. Đang tính làm thì nghe tin sẽ chưa bị phạt. Chưa kịp thở phào vì đỡ làm cái món “ủy quyền” thì lại đâm đầu vào kiếm cho đủ tiền mua xe”.

 

Cùng cảnh với chị Yến, anh Nguyễn Minh Tùng (quận Ba Đình) mặc dù tìm mọi cách “đẩy” chiếc Ecxiter 2010 để mua chiếc SH nhưng cả tuần chẳng ai buồn hỏi mua. Thậm chí khi anh chụp ảnh, đăng thông tin lên các trang rao vặt cũng không nhận được bất kỳ phản hồi hay cuộc gọi nào của khách.

 

Khảo sát tại đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), chúng tôi được biết thêm một cách thức mới để lách luật: Khi bán xe chính chủ, người bán phải photo thêm một số các giấy tờ cá nhân như CMND. Chủ cửa hàng sẽ giữ lại những giấy tờ đó để chuyển cho người mua xe kế tiếp. Nếu bị CSGT “sờ gáy”, người mua xe đó chỉ cần đưa những giấy tờ đó ra để chứng minh là xe đi mượn và sẽ không bị phạt hành chính.

 

Theo Nam Hưng

GiadinhNet