1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:

Chính phủ không đủ sức “cứu” hết các doanh nghiệp

(Dân trí) - “Cứu” DN một cách tràn lan thì Chính phủ không có đủ sức và cũng không nên làm thế. Đây chính là cơ hội để bản thân mỗi DN tự mình sắp xếp lại” - Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 8/6.

Trong tình hình phá sản hàng loạt của các doanh ngiệp với số lượng mỗi lúc một tăng theo các báo cáo thống kê từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng đến nguồn thu, nhiều ĐBQH đề nghị miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này?

Chính phủ rất coi trọng vấn đề này, nên đã đưa ra các giải pháp để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. Nhưng cần hiểu rõ ràng mục tiêu ngay từ đầu của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô – một vấn đề không thể làm trong ngắn hạn mà phải thực hiện theo trung hạn, như là một nền tảng cho giai đoạn tới đây khi ổn định được, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn. Gắn vào quá trình đó là mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là những mục tiêu lâu dài, cần phải kiên trì.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời về giải pháp cứu doanh nghiệp (ảnh: Việt Hưng).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời về giải pháp "cứu" doanh nghiệp (ảnh: Việt Hưng).

Tất nhiên, trong thời buổi các DN rất khó khăn hiện nay, Chính phủ phải có sự trợ giúp và thực chất đây không phải là gói kích cầu như năm 2009, vì nếu chúng ta làm không cẩn thận sẽ dẫn đến bất ổn về vĩ mô và không đạt được mục tiêu. Đây chính là cái khó phải giải quyết để làm sao vẫn thực hiện được mục tiêu của Đảng và Quốc hội đề ra, nhưng lại vừa có thể giúp DN vượt qua được khó khăn.

Quan điểm của tôi là bản thân các DN cũng phải coi đây là cơ hội để tái cơ cấu lại bản thân mình và cũng là cơ hội để chấn chỉnh và tự mình cùng với hỗ trợ của CP vượt qua được khó khăn, thì mới đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững hơn.

Nếu xác định khó khăn cũng là một dịp để sàng lọc lại hệ thống doanh nghiệp có nghĩa Chính phủ “gật đầu” nhìn số lượng lớn công ty như vậy phá sản, giải thể?

Nếu bây giờ Chính phủ “cứu” DN một cách tràn lan thì không có đủ sức và cũng không nên làm thế. Bởi lẽ, tái cơ cấu ở đây không chỉ nói là tái cơ cấu phía các DNNN mà tái cơ cấu nền kinh tế có nghĩa là tái cơ cấu tất cả các thành phần kinh tế. Đây chính là cơ hội để sắp xếp lại DN và bản thân mỗi DN cũng phải tự mình sắp xếp lại.

Tất nhiên, trong số các DN hiện nay đã ngừng hoạt động cũng phải thừa nhận có rất nhiều DN khó khăn, nhưng cũng có DN chủ động thay đổi về sản phẩm, ngành nghề… theo ý thức chủ quan hoặc tự quyết định không hoạt động và thành lập DN khác… Và chúng ta cần coi đó là bình thường.

Cứu DN như “cứu hỏa”, nhưng những giải pháp đưa ra vừa qua nhiều người vẫn cho là hơi chậm trễ. Các giải pháp tuy tốt, nhưng đi vào thực tế, ví như việc hạ lãi suất vẫn rất khó tiếp cận?

Hỗ trợ về thuế cũng là một trong những cách “giải cứu”, nhưng quan trọng nhất chúng tôi xác định là phải tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn. Vừa rồi, đúng là DN rất khó khăn trong tiếp cận vốn, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo rồi. Phía ngân hàng cũng đã giải thích rõ, việc hạ lãi suất phải thực hiện sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của lạm phát. Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất.

So với lộ trình đầu năm ngân hàng đặt ra, việc hạ như vậy khá nhanh. Trước ngân hàng nói hạ lãi suất mỗi quý là 1%. Như vậy, thực tế, từ đầu năm đến nay, chúng ta hạ lãi suất như vậy là rất tích cực.

Vấn đề tiếp theo là phải cơ cấu lại nợ, bởi vì có những khó khăn của DN như đang từ nợ tốt có khi chuyển sang nợ xấu. Nhưng nếu được hỗ trợ về vốn, có thể giải tỏa nợ xấu cũng như thanh khoản cho bản thân ngân hàng, thanh khoản cho nền kinh tế. Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay mà Chính phủ xác định và gọi là “cục máu đông” chính là nợ. Nếu cơ cấu được nợ, DN sẽ tiếp cận vốn tốt hơn.

Thống đốc ngân hàng cho biết, thời gian vừa qua đã “bơm” một lượng tiền rất lớn để lưu thông vào các ngân hàng. Nhiều ý kiến băn khoăn không biết lượng tiền lớn đó “chảy” về đâu?

Cái khó hiện nay chính bởi bản thân ngân hàng cũng là DN. Nếu không có tác động của cơ quan quản lý Nhà nước và không có hướng dẫn một cách cụ thể thì bản thân ngân hàng khi cho vay cũng phải tính toán. Vấn đề nợ của các DN, nếu đến hạn mà không trả được thì khoản nợ đó tự nhiên chuyển sang nợ xấu. Nếu ngân hàng thương mại cứ thực hiện trên nguyên tắc hiện nay, các khoản nợ sẽ coi nợ xấu và không tiếp tục cho vay được.

Mấu chốt ở đây là phải giải quyết vấn đề nợ, cơ cấu lại các khoản nợ để vừa tạo điều kiện cho DN làm ăn được, trả được nợ thì ngân hàng cũng thu được nợ và giải quyết thanh khoản.

Có ý kiến phân tích Chính phủ nên tập trung tái cơ cấu các ngân hàng quốc doanh hơn là các ngân hàng thương mại cổ phần. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về vấn đề này?

Vấn đề đó đã được phê duyệt rồi.

P.Thảo (ghi)