1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chiến dịch đả “hổ” lan tới giới tài chính

Chiều 23/10, Công ty chứng khoán Quốc Tín (tên giao dịch Guosen) ra thông báo: ông Trần Hồng Kiều, Tổng tài (Tổng giám đốc – TGĐ) công ty đã “không may qua đời tại nhà riêng”; mọi hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường.

Cái chết của Trần Hồng Kiều được báo chí cho rằng có liên quan đến hoạt động “đả Hổ” đang được tiến hành mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Cái chết bất ngờ

Báo Thanh niên Trung Quốc ngày 24/10 cho biết, ông Kiều tự vẫn tại nhà riêng ở Dương Minh Sơn Trang, khu Phúc Điền, Thâm Quyến. Trước khi tìm đến cái chết, ông có để lại di thư chỉ gồm 5 chữ “Thỉnh vật nhiễu thê nhi” (Xin đừng làm khó dễ vợ con tôi).

Theo báo “Hối thông”, ông Trần Hồng Kiều đã dùng dây điện treo cổ tự vẫn tại ban công nhà riêng. Ông Kiều sinh năm 1966 tại Hồ Nam, tốt nghiệp khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Bắc Kinh năm 1988; năm 1989 sáng lập và quản lý Công ty điện thoại Thâm Đại với dịch vụ hỗ trợ 160 quy mô lớn nhất Trung Quốc; từ 2003 là Phó TGĐ Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến; từ tháng 6/2014 là Phó bí thư đảng ủy, TGĐ Công ty chứng khoán Quốc Tín.

Ông Trần được trong giới đánh giá là một nhân tài trẻ tuổi, kinh nghiệm phong phú; cái chết của ông khiến nhiều người thấy bất ngờ và bày tỏ thương tiếc. Có đủ mọi đồn đoán, song phía Quốc Tín không đưa ra bất cứ điều giải thích nào thêm.

Điều mọi người nghĩ tới đầu tiên là mối quan hệ gắn kết giữa ông với Trương Dục Quân, Trợ lý Chủ tịch Ủy ban giám sát thị trường Chứng khoán Trung Quốc. Khi ông Kiều giữ chức Phó TGĐ Sở giao dịch Thâm Quyến 11 năm (2003-2014) thì ông Quân chính là TGĐ từ 2000 đến 2008. Đến nay, Trần Hồng Kiều vẫn xưng hô “lãnh đạo cũ” mỗi khi gặp Trương Dục Quân.

Tân Hoa xã ngày 24/10 cho biết ông Kiều gần đây định xuất cảnh nhưng bị ngăn lại tại sân bay. Hồi tháng 9, công ty Quốc Tín đã bị Ủy ban giám sát thị trường chứng khoán “thông báo” (cảnh báo) về việc bán khống cổ phiếu để thu lợi trái phép, một số người phụ trách chủ yếu đã bị cơ quan công an “hẹn gặp” và truy trách nhiệm nội bộ.

Nạn nhân của chiến dịch “đả Hổ”

Cái chết của Trần Hồng Kiều được báo chí cho rằng có liên quan đến hoạt động “đả Hổ” đang được tiến hành mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Ngày 25/8, 8 quan chức lãnh đạo chủ chốt của Công ty chứng khoán Trung Tín (CITIC Securities Company Limited) lớn nhất Trung Quốc bị công an bắt giữ, trong đó có 3 Ủy viên ban điều hành Từ Cương, Cát Tiểu Ba và Lưu Uy. Đến ngày 15/9 TGĐ Trung Tín Trình Bác Minh và 2 quan chức nữa tiếp tục bị bắt giữ điều tra vì bị tình nghi giao dịch nội bộ và tiết lộ thông tin nội gián.

Tối 16/9/2015, ông Trương Dục Quân, trợ lý Chủ tịch Ủy ban giám sát thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) áp dụng biện pháp cưỡng chế giam giữ để điều tra. Trương Dục Quân là quan chức lãnh đạo duy nhất của Ủy ban giám sát TTCK từng chủ quản cả hai sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến, cũng chính ông là “Tổng chỉ huy giải cứu thị trường” hồi tháng 7 năm nay. Đến ngày 13/10, ông này đã bị Quốc vụ viện bãi miễn chức vụ trợ lý Chủ tịch Ủy ban GSTTCK.

Ông Trần Hồng Kiều.
Ông Trần Hồng Kiều.

Ngày 23/10, báo Tài Tân đưa tin đến lượt bà Kỳ Thử Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Kim Thạch có số vốn đăng ký 5,2 tỷ NDT thuộc tập đoàn Trung Tín bị cảnh sát bắt. Trước đó, chiến dịch Pháp võng (Giăng lưới pháp luật) do Ủy ban Giám sát thị trường chứng khoán đã được tiến hành trong 3 tháng.

Ngày 23/10, ông Đặng Khả, người phát ngôn của ủy ban này cho biết kết quả: đã xử lý 12 vụ thao túng thị trường, phạt hơn 2 tỷ NDT; đã có 106 vụ việc lớn được phát hiện, hơn một nửa đã hoàn thành trình tự xử phạt, 22 vụ chuyển sang cơ quan công an tiếp tục điều tra về mặt hình sự, 93 người có liên quan bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Ông cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục mạnh tay trừng trị các loại hành vi phi pháp để bảo vệ sự “công khai, công chính, công bằng” của thị trường chứng khoán.

Ngày 21/10, UBKTKLTW ra thông báo: Từ cuối tháng 10 sẽ đưa các tổ tuần thị vào thanh tra Ủy ban giám sát ngân hàng và Ủy ban giám sát thị trường chứng khoán. Trước đó mấy ngày, 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất đã bắt đầu bị UBKTKLTW vào thanh tra. Điều này cho thấy đợt hoạt động đánh tham nhũng lớn trong giới tài chính, tiền tệ đã chính thức bắt đầu.

Quốc Tín là công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc được thành lập trên cơ sở Công ty chứng khoán Quốc Đầu Thâm Quyến với số vốn đăng ký ban đầu 7 tỷ Nhân dân tệ, trụ sở chính đặt tại Thâm Quyến, bắt đầu phát hành cổ phiếu và tiến hành giao dịch tại sàn Thâm Quyến từ ngày 29/12/2014.

Quốc Tín hiện có 3 công ty con, 36 phân công ty, 135 cơ sở giao dịch tại 92 thành phố và khu vực trên khắp Trung Quốc, 9.443 nhân viên với 1.167 cán bộ, trên 90% có trình độ đại học trở lên. Hiện nay, tổng số tài sản cố định của công ty tới 147 tỷ NDT.

6 tháng đầu năm 2015, Quốc Tín thu nhập 17,47 tỷ NDT, tăng 306,09% so với cùng kỳ năm ngoái, lãi 9,02 tỷ NDT, tăng 492%, từng được coi là một kỳ tích. Tuy nhiên, phía sau những con số đó là những hoạt động mờ ám, thậm chí phạm tội đang dần được phanh phui mà cái chết của Trần Hồng Kiều có thể là một hành vi trốn tội.

 

Hãng tin Bác Văn xã ngày 15/10 dẫn nguồn tin từ Bộ Công an cho biết: Trương Dục Quân, Trình Bác Minh và các quan chức của Trung Tín trong thời gian chính phủ áp dụng biện pháp cứu thị trường chứng khoán đã thông đồng với nước ngoài, tiết lộ những cơ mật về quyết sách của chính phủ. Họ có thể sẽ bị truy tố và xét xử về tội “gián điệp kinh tế”.

 

Theo Thu Thuỷ (tổng hợp)
Tiền Phong

 

Chiến dịch đả “hổ” lan tới giới tài chính - 2