1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chia tiền ngân sách không phải để xử lý lỗ

(Dân trí) - “Tôi khẳng định, việc bố trí các khoản chi từ nguồn ngân sách năm 2013 không phải để xử lý lỗ của doanh nghiệp. Đây là các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của Nhà nước nhưng vì những nhiệm vụ này được giao cho các tập đoàn, tổng cty thực hiện”.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cho biết như vậy bên hành lang Quốc hội sáng nay 16/11, về vấn đề nguồn ngân sách bố trí cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2013.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu).
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu).

Theo nội dung Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2013, một số tập đoàn, tổng công ty như PetroVietnam, EVN, Vinalines... đã được phân bổ ngân sách. Theo một số ý kiến, việc phân bổ này là để giúp doanh nghiệp xử lý lỗ, thưa ông?

Tôi khẳng định, việc bố trí các khoản chi này không phải để xử lý lỗ của doanh nghiệp. Ví dụ như bố trí nguồn ngân sách cho PetroVietnam 1.600 tỷ đồng là thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, theo Luật khoáng sản và theo thỏa ước của Chính phủ Việt Nam với các bên liên doanh khai thác dầu khí như Liên Xô trước kia và Liên bang Nga hiện nay.

Theo qui định, chúng ta phải để lại tối thiểu 50% lợi nhuận của nước chủ nhà để tái đầu tư cho PetroVietnam. Với sản lượng dự kiến khai thác năm 2013 thì chúng tôi tính toán để lại cho PetroVietnam khoảng 10.000 tỷ mới đúng quy định. Nhưng năm 2013 kinh tế trong nước và thế giới đứng trước nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến cân đối ngân sách, nguồn thu ngân sách nên Chính phủ trình phương án đầu tư trở lại cho PetroVietnam 1.600 tỷ, trên thực tế là thấp hơn qui định hiện hành.

Do đó, việc bố trí một số khoản vốn cho các tập đoàn, tổng công ty ở đây không phải để bù lỗ cho hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn này. Về bản chất, đây là các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của Nhà nước do ngân sách Nhà nước đảm nhận, nhưng vì những nhiệm vụ này được giao cho các tập đoàn, tổng công ty thực hiện. Vì vậy, ngân sách Nhà nước phải bố trí ngân sách để cho các tập đoàn, tổng công ty này thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao.

Nhưng trên thực tế, một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn không hiệu quả, theo đánh giá của ông, nếu tiếp tục rót vốn vào thì có đồng nghĩa với việc vốn sẽ thất thoát, đầu tư không hiệu quả?

Tôi xin nói thêm rằng, ngân sách Nhà nước năm 2013 cấp cho các tập đoàn, tổng công ty không phải là Nhà nước cấp thêm vốn vào mà là giao thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao. Ví dụ như tại Vinalines, việc đầu tư vào các cảng, nạo vét cảng Hải Phòng, đầu tư vào hạ tầng của Nhà nước là nhiệm cụ của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng vì mình không giao cho Bộ mà lại giao cho tổng công ty này làm thì phải đưa tiền cho họ.

Riêng với PetroVietnam, theo qui định hiện hành thì đây là đầu tư trở lại cho tập đoàn. Tôi cho rằng đây là yêu cầu của việc phát triển của ngành dầu khí quốc gia. Việc đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí hiện nay của chúng ta thời gian qua là có hiệu quả. Còn việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn này cần phải xem xét, rà soát lại.

Vậy nếu vốn ngân sách rót vào mà các tập đoàn, tổng công ty này hoạt động không hiệu quả thì sao, thưa ông?

Hiện nay có tình trạng, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động không hiệu quả. Có những tập đoàn, tổng công ty thua lỗ lớn. Tôi cho rằng, trách nhiệm trước hết là thuộc về những người đứng đầu doanh nghiệp. Khi xảy ra vấn đề này, điều quan trọng là phải làm rõ nguyên nhân và hướng khắc phục những sơ hở, đồng thời quy trách nhiệm quản lý, điều hành của người lãnh đạo trong tập đoàn, tổng công ty. Đơn vị nào hua lỗ lớn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân. Cái này phải xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Ông đánh giá thế nào về việc phân cấp, phân quyền quản lý hiện nay?

Việc phân cấp thẩm quyền, nhất là việc quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như quản lý đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty là có vấn đề.

Trước kia đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhà nước có luật riêng. Nhưng sau này, chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp chung thì lại ghép doanh nghiệp Nhà nước vào và được đối xử gần như các doanh nghiệp khác, dẫn đến thẩm quyền của lãnh đạo các doanh nghiệp này quá lớn. Có nhiều tập đoàn, tổng công ty đầu tư 1 năm hơn 100.000 tỷ là hoàn toàn trên cơ sở chiến lược phát triển thì được Thủ tướng Chính phủ qui định là các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có quyền quyết định đầu tư.

Nhưng đối với ngân sách Nhà nước năm 2013, tổng vốn đầu tư từ ngân sách có 175.000 tỷ đồng mà chia cho tất cả các bộ, ngành cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành cho những nhiệm vụ chi tiết và việc thay đổi từ bất cứ khoản chi nào cũng phải trình Quốc hội. Trong khi đó một tập đoàn, tổng công ty chi đầu tư rất lớn thì lại giao cho một số ít người có thẩm quyền quyết định. Qui định này là quá thông thoáng và cần phải rà soát lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước khác với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác. Vì người lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nói riêng và doanh nghiệp Nhà nước nói chung chỉ là người thay mặt Nhà nước quản lý, sử dụng nguồn vốn được Nhà nước giao, chỉ là người đại diện chủ sở hữu chứ không phải là chủ sở hữu thật sự. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải có cơ chế thích ứng điều này để tránh tình trạng lợi dụng tiền của Nhà nước đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty nói riêng, doanh nghiệp Nhà nước nói chung để gây thất thoát, kém hiệu quả.

Theo ông, cơ chế đó sẽ vận hành thế nào?

Cái này đụng chạm đến các văn bản pháp luật, cần rà lại Luật doanh nghiệp để có những quy định chung về cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước và trên cơ sở đó rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành luật đó. Cũng như việc rà soát lại luật Đầu tư công, Luật mua sắm công, tức là các luật liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phải đồng bộ và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người liên quan. Quyền càng lớn trách nhiệm càng cao, mới đảm bảo được việc quản lý sử dụng vốn tài sản Nhà nước một cách có hiệu quả.

Theo văn bản trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính gửi đến Quốc hội, EVN đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng, PetroVietnam nợ 1.731 tỷ đồng…Quỹ tích lũy trả nợ đang ứng trả thay cho Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty công nghiệp Xi măng với tổng số tiền là 109,7 triệu USD. Ông đánh giá thế nào về những con số này?

Trong hoạt động kinh doanh, bất cứ 1 doanh nghiệp nào cũng có nợ vay và nợ phải trả. Tôi cho đó là cái bình thường. Nhưng căn cứ vào quy mô tài sản, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng bảo tồn vốn để xem xét giới hạn vay như thế nào cho hợp lý, đảm bảo an toàn, đừng để doanh nghiệp vay quá lớn đến khi phá sản để lại những di chứng, những hậu quả đối với xã hội.

Vấn đề thứ hai là nợ vay, cũng như nợ phải trả, điều quan trọng nhất là nợ xấu. Nợ xấu hiện nay là quan ngại của mọi người dân, của các đại biểu Quốc hội. Bằng mọi cách phải quản lý tài sản, cải tiến đổi mới trong quản lý điều hành ngân sách, sản xuất kinh doanh, phải hướng đến việc làm tăng hiệu quả quản lý sử dụng vốn nói chung của nền kinh tế. Chỉ có trong chừng mực đó nợ xấu mới giảm…

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền