1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chỉ gỡ cho doanh nghiệp gặp khó tạm thời

Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố một số chính sách nhằm “phá băng” bất động sản, giải cứu doanh nghiệp, nhiều NH khẳng định sẵn sàng tiếp sức cho doanh nghiệp.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, cho biết nơi này yêu cầu các NH thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn của các doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan.
 
Chỉ gỡ cho doanh nghiệp gặp khó tạm thời
Một dự án căn hộ (Q.Tân Phú, TP.HCM) sắp hoàn tất đang chờ được tiếp vốn.

 

Ngân hàng phải tự quyết

 

Theo bà Hồng, tiêu chí cơ cấu lại các khoản nợ đã nêu rất rõ trong quyết định 783 năm 2005. Theo đó, các NH phải tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.

 

Cụ thể, đối với khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc hoặc lãi vay, nếu đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì NH xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Còn đối với khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn, nếu đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì NH xem xét cho gia hạn nợ.

 

Bà Hồng nói thêm, trong tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn do yếu tố khách quan, NH Nhà nước yêu cầu các NH cần phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay. NH cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp bớt khó khăn thì NH cũng hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn. Song cơ cấu lại nợ chỉ có thể áp dụng với các doanh nghiệp có khó khăn tạm thời.

 

Cũng theo bà Hồng, việc khoanh nợ thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng chứ NH Nhà nước không có quy định cụ thể về khoanh nợ. Nếu khoanh nợ, giãn nợ mà không đúng quy định pháp luật để cứu doanh nghiệp thì NH Nhà nước không khuyến khích.

 

Chỉ xem xét doanh nghiệp có năng lực

 

Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc NH ACB, cho biết điều kiện để cơ cấu lại nợ vay là khách hàng phải có năng lực trả nợ sau khi tái cấu trúc. NH chỉ tập trung cơ cấu nợ cho khách hàng thuộc các ngành phù hợp với chính sách tín dụng hiện hành của NH. Hiện ACB đang triển khai chương trình tái tài trợ khoản vay cho doanh nghiệp với thời hạn dài hơn, nhằm giảm bớt áp lực trả nợ.

 

Quy trình cho vay như sau: NH cam kết cho vay, sau đó doanh nghiệp tự tìm nguồn trả nợ cũ vay lại nợ mới với thời gian cho vay dài hơn. Hạn mức tài trợ đối với một khách hàng là 50 tỉ đồng trong thời gian 60 tháng và doanh nghiệp được ân hạn vốn gốc. Lãi suất cho vay theo chương trình này khoảng 18%/năm.

 

Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết với những doanh nghiệp hiện tại gặp khó khăn nhưng có hướng phát triển thì NH có thể kéo dài thời hạn trả nợ. Tuy nhiên với điều kiện những doanh nghiệp này vẫn còn khả năng phục hồi sau tái cơ cấu. “Quan trọng là doanh nghiệp phải có đường đi” - ông Thanh nói. Ông cũng cho biết dù có nguồn vốn dồi dào nhưng NH vẫn cho vay rất thận trọng, doanh nghiệp vay vốn phải thỏa những điều kiện NH đưa ra.

 

Trước khi NH Nhà nước có chỉ đạo, nhiều NH cũng vạch ra hướng nhằm vượt khó cùng doanh nghiệp. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết với những doanh nghiệp bất động sản gặp khó do không bán được hàng, NH sẽ cùng ngồi với doanh nghiệp để vạch ra hướng đi. “NH sẽ hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà, nhưng doanh nghiệp cũng phải có chính sách kích cầu, giảm giá, chiết khấu sao cho hấp dẫn. Bằng cách này không chỉ cứu doanh nghiệp mà NH cũng có cơ hội thu hồi được khoản nợ đã cho vay” - ông này nói.

 

Theo Lê Thanh – Ánh Hồng

Tuổi trẻ