1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chênh lệch trình độ phát triển: Thách thức lớn nhất khi gia nhập AEC

(Dân trí) - Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước ASEAN-6, thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động…

Đó là một trong những nội dung được các chuyên gia lưu ý nhất khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tại buổi hội thảo với chủ đề: “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội, thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp” vừa diễn ra tại Đà Nẵng sáng nay (12/9).

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập vào cuối tháng 12/2015. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện của các quốc gia Đông Nam Á tiến tới hình thành một cộng đồng kinh tế - chính trị, an ninh – văn hóa, xã hội chung. Gia nhập cộng đồng kinh tế AEC sẽ mở ra những cơ hội to lớn trong việc tiếp cận một khu vực thị trường rộng lớn và đặt ra cho các doanh nghiệp rất nhiều thách thức, đặc biệt là cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

Theo GS.TS Lê Thế Giới và ThS Trương Mỹ Diễm (Đại học kinh tế Đà Nẵng), những cơ hội của Việt Nam khi gia nhập AEC, đó là mở rộng thị trường và gia tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Dự báo trước thềm AEC, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN-6 là 0% theo Hiệp định ATIGA. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhỏ và vừa hết sức linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế không chỉ khối thị trường này mà còn với các thị trường khác, trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN những năm qua, có thể thấy hai mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch và tỷ trọng lớn nhất là dầu thô (khoảng 40%) và gạo (trên 50%). Như vậy, có thể thấy rằng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô. Những mặt hàng nông sản, hải sản tuy được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi CEPT tại các nước nhập khẩu nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới nên kim ngạch xuất khẩu không ổn định. Với AEC, khi thuế suất giảm xuống 0%, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu.

Theo quy định của ASEAN, các sản phẩm sản xuất có tỷ lệ “nội khối” 40% được xem là sản phẩm vùng ASEAN, sẽ được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường khu vực ASEAN đã có FTA. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng các ưu đãi nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong nước sang thị trường khu vực.

Cơ hội được mong đợi nhất từ các nước ASEAN là sự đầu tư và hợp tác đến từ các nền kinh tế lớn, phát triển. AEC cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện hơn môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, hành chính đến việc tạo ra ưu đãi đầu tư cân bằng hơn.

Khi gia nhập AEC, lao động Việt Nam có kỹ năng và tay nghề sẽ có nhiều việc cơ hội hơn trong thị trường lao động ASEAN. Bên cạnh đó, còn là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, GS.TS Lê Thế Giới và ThS Trương Mỹ Diễm cũng chỉ ra những thách thức của Việt Nam khi gia nhập AEC. Đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển của Việt Nam so với các nước ASEAN-6. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn lực có kỹ năng và tay nghề còn ít, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường lao động ASEAN. Áp lực phải cải cách thể chế kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tiến và ông Nguyễn Tú Anh (khoa Kinh tế - Đại học Vinh) cũng chỉ ra rằng, khi gia nhập AEC, Việt Nam sẽ có được một thị trường rộng lớn hơn, có cơ hội mở rộng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, cơ hội thu hút các nguồn đầu tư.

Và một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước ASEAN-6, thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề lao động… Thứ hai là vấn đề năng suất lao động của Việt Nam thấp cũng là một trong những thách thức của Việt Nam. Thứ ba là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khối liệt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Khánh Hồng

Chênh lệch trình độ phát triển: Thách thức lớn nhất khi gia nhập AEC - 2