1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chẳng ai chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng

(Dân trí) - “Trong Luật BVNTD chỉ nói cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước. Mà quản lý nhà nước thì gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra. Đáng lẽ phải nói rõ, cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này, chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng".

Chẳng ai chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng chẳng ai chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng
 
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùngViệt Nam về những bất cập của Luật Bảo vệ Người tiêu (BVNTD) dùng sau 1 năm thực thi. Ông Hùng cho rằng Luật bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực được hơn một năm nhưng người tiêu dùng tìm địa chỉ để truy vấn trách nhiệm của người quản lý gây thiệt hại cho mình thì rất khó.
 
Trong hơn một năm vừa rồi Luật BVNTD đa số hợp đồng dịch vụ đều do người cung ứng dịch vụ soạn sẵn mà không có thương thảo, điều này gây thiệt hại lớn tới NTD. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
Quy định về hợp đồng đã có HĐ theo mẫu theo QĐ02 trong Luật BVNTD.  Theo QĐ này trước khi ban hành phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, toàn quốc là Cục Cạnh tranh, còn tỉnh là sở Công thương.
 
Danh mục có 9 hàng hóa và dịch vụ, điện, nước, truyền hình trả tiền, thuê bao điện thoại cố định, di động trả sau, kết nối internet, vận chuyển hành khách đường hàng không, vận chuyển hành khách đường sắt, mua bán căn hộ chung cư.
 
Hiệu lực từ 1/3/2012, các doanh nghiệp phải đến đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
 
Bây giờ quá hạn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đến đăng ký hợp đồng nhưng vẫn hoạt động. Phải chăng xử lý của mình, kiểm tra của mình không triệt để, không kịp thời nên doanh nghiệp vẫn kinh doanh mà không bị ai hỏi thăm cả.
 
Ngoài 9 mặt hàng thiết yếu này thì trong giao dịch mua bán vẫn còn nhiều những giao dịch khác cũng cần thiết không kém?
 
Tôi đã tham gia trong quá trình xây dựng văn bản này, chúng tôi thì muốn đưa nhiều vào vì liên quan tới quyền lợi người tiêu dùng nhưng doanh nghiệp người ta muốn đưa ra. Vậy nên đây là cuộc đấu tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và người quyết định cuối cùng là Thủ tướng.
 
Vậy 9 danh mục hàng hóa này ông đã cảm thấy hài lòng?
 
Để nói hài lòng thì không hài lòng. Nhưng với điều kiện hiện nay, cái đã có mà thực hiện tốt đã là tốt lắm rồi. Hiện tại có danh mục mặt hàng phải được kiểm duyệt hợp đồng mà người ta còn chưa thực hiện
 
Qua một năm Luật BVTD đi vào cuộc sống thì những hàng nhái, hàng độc hại, hay những hành vi gian lận thương mại không giảm mà có chiều hướng có tăng lên?
 
Luật thì có hiệu lực 1 năm nhưng những văn bản dưới luật ban hành không phải đúng với khi luật có hiệu lực. VD: Nghị định 99 về hướng dẫn chi tiết thi hành hành một số điều của luật ban hành chậm 5,5 tháng. Quyết định 02 sau 8 tháng, Nghị định 19 về xử phát hành chính vi phạm sau 10 tháng.
 
Luật thì có hiệu lực 1/7, còn các văn bản hướng dẫn thì ban hành quá chậm nên cũng là hạn chế để xử lý những trường hợp gian lận thương mại, hàng độc hại, hàng nhái.
 
Tìm địa chỉ chính xác để người tiêu dùng có thể truy vấn về trách nhiệm quản lý gây thiệt hại cho bản thân mình thì hiện tại là địa chỉ nào?
 
Cơ quan Nhà nước là Cục quản lý Cạnh tranh bộ Công thương, các tỉnh là các sở Công thương. Địa chỉ như vậy tôi cho là rất rõ ràng.
 
Tuy nhiên, trong luật chỉ nói cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước thôi. Mà quản lý nhà nước thì gồm xây dựng pháp luật, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra. Đáng lẽ phải nói rõ, cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cách nói này hoàn toàn khác nhau nhưng khi xây dựng luật thì tránh né.
 
Góc độ suy nghĩ của tôi thì cơ quan quản lý cũng là cơ quan xây dựng luật nên khi xây dựng luật thì làm sao thuận tiện cho mình quản lý. Muốn quản lý nhưng trách nhiệm lại phải né tránh. Bởi vậy địa chỉ có nhưng quy trách nhiệm rất khó.
 
Như bộ Công thương trong Luật BVNTD chỉ chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước thôi chứ đâu chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng.
 
Lâu nay trên các phương tiện truyền thông dẫn lời lại các nhà quản lý nhà nước kêu gọi người tiêu dùng thông thái. Nếu người tiêu dùng mà thông thái được thì đâu cần Luật BVNTD, các cơ quan quản lý nhà nước hay Hội BVNTD?
 
Có những người quản lý nhà nước nêu khái niệm này ra. Trong cuộc sống thì tất cả mọi việc cần thông thái cả. Nhưng vấn đề ở chỗ, nhìn hộp sữa nhãn có ghi thành phần các chất nhưng nếu không có phương tiện kiểm tra thì muốn thông thái cũng không thể nhận biết được.
 
Đây là cách khéo để đẩy trách nhiệm về phía người tiêu dùng, tự cứu lấy mình trước khi "trời" cứu. Tôi nghĩ không ổn. Tôi nghĩ nên dùng bất kỳ từ gì khác như người tiêu dùng cẩn thận, tỉnh táo mua hàng hoặc lựa chọn dịch vụ chứ không nên dùng từ này.
 
Luật BVNTD  đã có hiệu lực hơn một năm, qua thực tế ông thấy cần bổ sung hay sửa đổi gì về tinh thần cũng như những quy định cụ thể?
 
Theo tôi thấy trong Luật các tranh chấp nói quá nhiều tới hợp đồng. Hợp đồng điều chỉnh trong luật thương mại rồi, trong cuộc sống thì có bao nhiêu phần trăm quan hệ mua bán áp dụng hợp đồng? VD mua xăng, mặt hàng thiết yếu nhưng bao giờ có hợp đồng, hay hóa đơn gì đâu?.
 
Tôi thấy Luật BVNTD điều chỉnh các hoạt động nghiệp vụ rất sâu nhưng còn hàng loạt giao dịch có thể gây thiệt hại cho NTD thì điều chỉnh tới.
 
Thông Chí