1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chần chừ cải cách, thị trường chứng khoán sẽ về đâu?

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán luôn rất nhạy với các thông tin về chính sách và nếu các chính sách của Chính Phủ không theo hướng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn thị trường sẽ không diễn biến tốt, ảnh hưởng đến mục tiêu cổ phần hóa cũng như tái cơ cấu kinh tế.

Thị trường chứng khoán được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế
Thị trường chứng khoán được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo nhận định của CTCK BIDV (BSC), Việt Nam nằm trong nhóm thị trường chứng khoán (TTCK) của quốc gia đang phát triển, do vậy sẽ chịu những biến động của triển vọng kinh tế thế giới và động thái của các ngân hàng trung ương Mỹ (FED), Nhật Bản (BOJ) và châu Âu (ECB).
 
Tuy nhiên, TTCK là hàn thử biểu của mỗi quốc gia, nên sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào triển vọng kinh tế vĩ mô và các chính sách của Chính phủ.
 
Kinh tế Việt Nam trong năm 2014 được đánh giá là một năm khá thành công khi đạt được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
 
Theo BSC, kinh tế vĩ mô phục hồi sẽ tiếp tục là bệ đỡ và mang lại những kỳ vọng lạc quan cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng có thêm những cú hích từ sự chuyển biến như về chính sách: Chính sách mới cho thị trường chứng khoán đặc biệt là nới room cho khối ngoại, minh bạch TTCK (nội dung của Nghị định sửa đổi Nghị định 58), chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết triệt để nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ký kết các hiệp định thương mại lớn...
 
Nhóm phân tích cho rằng, hiện đã hết quý I/2015, và không còn nhiều thời gian để các chính sách thực thi và có tác động. Do thông thường từ chủ trương đến các chính sách cụ thể và cho đến khi chính sách thẩm thấu và bắt đầu thể hiện thành số liệu kết quả thì thường mất ít nhất từ 3 đến 6 tháng.
 
Theo BSC, Chính phủ cần cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo các Bộ Ngành có hành động hiện thực hóa các Nghị quyết 01,04,05 về mặt định hướng và điều chỉnh văn bản Sửa đổi Nghị định 58 theo hướng cụ thể tỷ lệ và có lộ trình ban hành và thực thi rõ ràng. Có như vậy chủ trương và chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, giúp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội.
 
Cần biến năm 2015 thực sự là năm của doanh nghiệp, năm của cải cách đột phát, năm của sự minh bạch và nhất quán, năm bản lề của tái cơ cấu nền kinh tế để TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung bước qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng để tiến vào một chu kỳ tăng trưởng mới – nhóm phân tích BSC khuyến nghị.

Thị trường chứng khoán được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế
Nghị định 58 sửa đổi với trọng tâm nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại đang được thị trường chờ đợi 

Hai kịch bản với kinh tế và TTCK Việt Nam
 
TTCK Việt Nam luôn rất nhạy với các thông tin về chính sách. Nếu chính sách Chính phủ theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy TTCK phát triển công khai, minh bạch thì TTCK sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu các chính sách của Chính phủ không theo hướng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, sửa đổi Nghị định 58 tiếp tục trì hoãn, thì TTCK sẽ không diễn biến tốt, ảnh hưởng đến mục tiêu cổ phần hóa nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.
 
Do vậy, BSC đã đưa ra hai kịch bản của TTCK năm 2015 trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô và chính sách kinh tế nói chung, trong đó có việc sửa đổi nút thắt Nghị định 58:
 
Trong kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP sẽ đạt trên 6%, tăng trưởng tín dụng dao động tư 15-17%. Lãi suất cho vay giảm 1%- 1,5%. Với kịch bản này, trong năm nay, Chính phủ sẽ ban hành khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu, đẩy mạnh giải quyết nợ xấu (giảm về dưới 3%); dẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông mua bán sáp nhập.
 
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản cải thiện và khả thi hơn. Việt Nam gia nhập TPP, ký FTA với EU, cộng đồng kinh tế Asean trong năm 2015, cải cách môi trường đầu tư, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
 
Điều quan trọng là Chính phủ sẽ thông qua sửa đổi Nghị định 58 với trọng tâm nới room cho NĐT ngoại và gắn cổ phần hóa với niêm yết, kèm với nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển TTCK phái sinh. Bên cạnh đó cũng sẽ không có sự biến động quá lớn về địa chính trị và các cú sốc tài chính, hàng hóa, thương mại trên thế giới.
 
Với kịch bản này, TTCK sẽ tăng điểm đến hết quý II/2015, điều chỉnh giảm trong quý III/2015 và tăng lại vào quý VI/2015. VN-Index dự báo đạt khoảng 650 điểm.
 
Trong kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP dưới 6%, tăng trưởng tín dụng 13-15%. Lãi suất cho vay không giảm so với 2014. Ngược lại với những dự báo ở trên, năm nay chưa ban hành được khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu, giải quyết nợ xấu chậm chạp (trên 3%). Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông mua bán sáp nhập gặp nhiều vướng mắc, thực thi khó khăn.
 
Đồng thời, với kịch bản này cũng sẽ không có các giải pháp mới phát triển thị trường chứng khoán; các chính sách mới tiếp tục hoãn ban hành (Sửa đổi Nghị định 58). Các hiệp định thương mại tự do đình trệ, thị trường bất động sản không cải thiện và có biến động bất lợi về địa chính trị thế giới cũng như các cú sốc tài chính, hàng hóa, thương mại trên thế giới.
 
Như vậy, TTCK sẽ tăng điểm đến hết quý II/2015, điều chỉnh giảm trong quý III/2015 và quý VI/2015. VN-Index đạt khoảng 550 điểm.
 
Mai Chi
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”