1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Báo cáo vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

"Cấu trúc sở hữu của hệ thống ngân hàng ngày càng chồng chéo"

(Dân trí) - Báo cáo của UBKT lưu ý, với trường hợp các NHTM có cổ đông lớn là các doanh nghiệp, thì rất có thể các NHTM này trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình.

Theo nhận định được đưa ra tại bản Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) vừa công bố mới đây, "vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng và ngân hàng trở thành sân sau của các tập đoàn kinh tế, kể cả Nhà nước lẫn tư nhân, ở mức báo động".

Sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần khá phổ biến


Sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần khá phổ biến

Theo đó, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn dưa trên quan hệ thay vì hiệu quả lao động. Tác giả bản báo cáo, TS Đinh Tuấn Minh dẫn ra 7 trường hợp phổ biến về hoạt động sở hữu chéo ở ngân hàng Việt Nam trong đó có lưu ý, hiện tượng sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần khá phổ biến hiện nay.

Từ những thông tin công bố của các ngân hàng, tác giả báo cáo cho biết, hiện có ít nhất 6 NHTM cổ phần có cổ đông là một NHTM cổ phần khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 vừa rồi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có cho biết, về trường hợp hợp nhất 3 ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, ngân hàng Đệ nhất và ngân hàng Sài Gòn Tín Nghĩa, trong quá trình thanh tra, NHNN đã phát hiện giữa 3 ngân hàng này có sở hữu chéo và có sự vay mượn chéo với nhau hết sức phức tạp.

"Do vậy, nếu để một ngân hàng đứng ra xử lý riêng thì nó sẽ bị chồng chéo lên nhau, nên chúng tôi xây dựng một đề án với bước đi đầu tiên là gộp 3 ngân hàng này vào là một để cho nó cùng sở hữu và nó không còn tình trạng chéo nhau như trước đây. Trên cơ sở đó chúng ta tiến hành đề án" - Thống đốc lý giải.

Quan hệ giữa NHTM cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng phức tạp

Ngoài ra, trong giai đoạn bùng nổ các NHTM cổ phần và quỹ đầu tư tài chính, rất nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước cũng đã tham gia góp vốn. Hiện có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NHTM cổ phần. Không những vậy, hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính.

Theo nhận định nêu tại báo cáo này thì  "mối quan hệ giữa NHTM cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp" mà cụ thể là nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Báo cáo dẫn trường hợp điển hình là trường hợp của ông Đặng Thành Tâm với Ngân hàng Navibank và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Tuy ông Đặng Thành Tâm chỉ sở hữu 2,97% tại Navibank và không có cổ phần tại Western Bank, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả hai ngân hàng này.

Tính sở hữu giãn tiếp thể hiện thông qua việc CTCP Viễn thông Sài Gòn (mã SGT), nơi ông Tâm nắm 23,69% và Tổng công ty phát triển nhà Kinh Bắc (mã KBC), nơi ông nắm 34,94% cổ phần. Theo đó, SGT trực tiếp sở hữu 9,41% Western Bank, còn KBC đầu tư 483 tỉ đồng tại CTCP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định, vốn chiếm 9,85% vốn sở hữu tại Western Bank và 11,93% tại Navibank.

Việc sở hữu chéo có thể khiến các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng vay vốn dễ dàng hơn (ảnh minh họa).

Việc sở hữu chéo có thể khiến các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng vay vốn dễ dàng hơn (ảnh minh họa).

Sở hữu chéo có thể khiến nợ xấu tại các ngân hàng tăng cao

Ngoài ra, còn có trường hợp sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NHTM cổ phần. Quan hệ sở hữu này hình thành chủ yếu việc yếu kém nghiệp vụ ngân hàng của các NHTM cổ phần trong giai đoạn đầu thành lập cũng như trong giai đoạn khủng hoảng 1997-1998.

Hiện tại, có gần 8 NHTM cổ phần có quan hệ cổ phần với 4 NHTM nhà nước, tiêu biểu là Vietcombank (VCB) đang sở hữu 11% tại Ngân hàng Quân đội (MBB), 8,2% tại Eximbank (EIB), 4,7% tại Ngân hàng Phương Đông và 5,3% tại Ngân hàng Sài Gòn.

Theo nhận định của tác giả bản báo cáo, khi các NHTM Nhà nước là cổ đông lớn của các NHTM cổ phần thì các NHTM Nhà nước có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng thuộc nhóm sau trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước.

Tương tự, với trường hợp các NHTM có cổ đông lớn là các doanh nghiệp, thì rất có thể các NHTM này trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình. "Mặc dù theo quy định thì các ngân hàng không được cho các cổ đông của mình vay vốn, nhưng các ngân hàng có thể lách quy định này bằng cách cho các công ty con của các doanh nghiệp vay vốn" - báo cáo lưu ý.

Ở trường hợp còn lại, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Như vậy, các trường hợp sở hữu này đều có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu điều này xảy ra, bản báo cáo đặt ra mối quan ngại, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam hiện nay tăng cao.

Như Dân trí đã thông tin, trước thêm hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2012), World Bank cũng đã bày tỏ lo ngại, trong tái cơ cấu tài chính, "lợi ích nhóm có thể là một cản trở vì tình trạng sở hữu chéo của doanh nghiệp trong khu vực ngân hàng vẫn còn rất phổ biến mặc dù NHNN đã ban hành các quy định có liên quan nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ các bên có liên quan khác nhau đối với các quyết định tái cơ cấu một tổ chức tín dụng".

3 nhóm sở hữu chéo tích cực

Không phải tất cả các mối quan hệ sở hữu chéo đều tiêu cực và xấu. Ít nhất, có ba nhóm sở hữu chéo có tính tích cực vì các mối quan hệ này chủ yếu hướng đến việc tăng cường thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và quốc tế, nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy việc sử dụng vốn một cách có hiệu quả:

Thứ nhất là sở hữu của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và NHTM nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh. Hiện tại có 6 ngân hàng liên doanh trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam và 1 ngân ngân hàng liên doanh thường được sở hữu bởi 1 ngân hàng nước ngoài và 1 ngân hàng trong nước.

Chẳng hạn, ngân hàng Việt Thái là ngân hàng liên doanh giữa 3 đối tác lớn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Siam của Thái Lan và Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan với tỉ lệ vốn góp tương ứng là 34%, 33% và 33%.

Ngân hàng Việt Nga là liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng VTB (trước là Ngân hàng Ngoại thương Nga Vneshtorgbank) với mức góp vốn điều lệ ngang nhau.

Trường hợp thứ hai là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM nhà nước lẫn NHTM cổ phần. Đứng trước nhu cầu thu hút vốn và kỹ năng quản trị từ các 158 định chế tài chính có kinh nghiệm nước ngoài, NHNN đã có chủ trương khuyến khích các NHTM trong nước tìm kiếm các đối tác nước ngoài làm cổ đông chiến lược. Đến nay, có khoảng 10 NHTM có đối tác chiến lược là các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Trường hợp thứ 3 là cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ. Từ năm 2005 trở lại đây, các quỹ quản lý vốn bắt đầu xuất hiện nhiều ở Việt Nam, đầu tư vốn vào những NHTM cổ phần có tiềm năng phát triển tốt. Chẳng hạn, Vinacapital đầu tư vốn vào Sacombank, VOF đầu tư vào Eximbank, quỹ Dragon đầu tư vào ACB…


Bích Diệp