1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cầu lớn, Vn-Index vượt ngưỡng 410 điểm

(Dân trí) - Gần 2.000 tỷ đồng giao dịch trên sàn TPHCM sáng nay, thị trường đang được đẩy lên khi các lệnh mua giá trần liên tục được đẩy vào cuối giờ giao dịch.

Cầu lớn, Vn-Index vượt ngưỡng 410 điểm - 1
Thị trường đã có lúc bẫy giảm giá (Beartrap) vào giữa phiên (ảnh: Hữu Nghị).
 
Vn-Index đang diễn biến theo chiều hưởng khả quan hơn rất nhiều khi đóng cửa phiên giao dịch sáng nay 20/5, chỉ số này tăng 9,48 điểm lên 410,38 điểm. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.951,39 tỷ đồng, tương đương 60,8 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh khi nhà đầu tư bắt đầu chốt lời bán ra những cổ phiếu đã tăng trần suốt tuần qua, trong khi một số khác lại tranh thủ mua vào.

Tuy nhiên theo ý kiến của một số chuyên gia, dường như thị trường trong thời điểm này đang được đẩy lên khi các lệnh mua trần được đưa vào trong 5 phút cuối cùng để cuối phiên xuất hiện dư mua lớn trên bảng điện tử. Nhưng trên thực tế, số lượng khớp lệnh đã được lệnh ATC quét hết.

Vn-Index sẽ lên mức bao nhiêu trong đợt sóng này, chưa ai biết. Nhưng có một thực tế là dòng tiền liên tục được giữ trên 1.500 tỷ đồng/phiên trong gần 1 tuần trở lại đây cho thấy sức cầu vè cổ phiếu vẫn rất lớn.

Hai tuần tới, thị trường sẽ chờ đớn thông tin chính thức về việc thuế chứng khoán có được miễn giảm đến năm 2010 hay không, khi Quốc hội đã bắt đầu phiên họp kể từ hôm nay (20/5).

Trở lại phiên giao dịch sáng nay, nhiều nhà đầu tư đã bán ra khi thấy blue-chips bắt đầu có dấu hiệu đuối sức. Tuy nhiên bắt đầu từ 9h15, các lệnh mua được đẩy vào khớp toàn bộ dư bán SSI khiến mã này tăng trần lên 60.000 đồng/CP, trước đó giảm nhẹ xuống 57.000 đồng.

Thị trường lại bắt đầu cuộc đua lệnh mua, các cổ phiếu lại tăng trần với dư mua khối lượng lớn.

Cổ phiếu HCM của CTCP Chứng khoán TPHCM tiếp tục tình trạng mất thanh khoản giống hôm qua khi cả phiên khớp lệnh đúng 2 lô cổ phiếu (10 cổ phiếu bán ra trong đợt 2 và 10 cổ phiếu bán ra trong đợt 3). HCM tăng trần lên 34.000 đồng/CP.

Các cổ phiếu tăng giá nhiều nhất phiên này là DHG, TCT (tăng 5.000 đồng), VPL (tăng 3.500 đồng), VSC và BMC (tăng 3.000 đồng). Các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là SGH, TSC, VHC và GMC.

Về khối lượng giao dịch, STB sau khi lội ngược dòng tăng điểm trở lại từ giữa phiên, cuối phiên tăng 700 đồng lên 27.500 đồng/CP, toàn phiên khớp lệnh 9,62 triệu đơn vị.

Hai mã HPG và SSI cùng tăng trần và giao dịch trên 4 triệu đơn vị, trong đó HPG tăng trần 5%, SSI tăng lên 60.000 đồng/CP, dư mua gần 600.000 đơn vị vào cuối phiên. Hai mã REE và SAM cũng giao dịch trên 2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu nhỏ có dư mua trần trên 1 triệu đơn vị vào cuối phiên là DCT, DQC, HLA, HT2. Trong đó DCT, DQC và HLA hôm qua cũng có dư mua trần trên 1 triệu đơn vị.
 
Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index vẫn tiếp tục tăng điểm. Tuy nhiên, mức tăng khá nhẹ khi chỉ tăng 0,61 điểm lên 142,66 điểm.

HaSTC-Index chỉ tăng khá nhẹ là do hai cổ phiếu lớn nhất đều giảm điểm: ACB giảm 1.000 đồng xuống 44.800 đồng còn KBC giảm 600 đồng xuống 34.700 đồng.

Trong khi đó, động lực chính giúp thị trường tăng điểm là sự tăng trần của nhóm cổ phiếu xi măng (BCC, BTS), nhóm cổ phiếu chứng khoán (BVS, KLS, HPC). Ngoài ra, VCG cũng trở lại tăng 1.200 đồng lên 24.500 đồng sau một vài phiên giảm giá.

Đáng chú ý nhất trong số các cổ phiếu chủ chốt là BCC khi cổ phiếu này có lượng dư mua giá trần cuối ngày lên đến hơn 1,86 triệu đơn vị. Hiện tại, nhiều cổ phiếu xi măng bắt đầu xu hướng tăng nóng như nhóm cổ phiếu chứng khoán, thép…

Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 133 mã tăng giá, 16 mã đứng giá và 34 mã đứng giá. Khá nhiều cổ phiếu nhỏ tiếp tục tăng trần do được hỗ trợ bởi lượng cầu mạnh. Cuối ngày, VGS có dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị, SDA dư mua 0,9 triệu, TX M dư mua 0,8 triệu…

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm Sông Đà và Vinaconex cũng tăng giá khá mạnh. Duy nhất có 1 cổ phiếu đóng cửa tại giá sàn S99. Cổ phiếu này giảm 3.700 đồng xuống 49.500 đồng.

Giao dịch toàn thị trường trở lại trên mức 1.000 tỷ với hơn 36,75 triệu đơn vị được giao dịch, tương đương 1.059 tỷ đồng. KLS dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh với 6,71 triệu đơn vị, tiếp đến là ACB (4,9 triệu), VCG (2,9 triệu), BVS (1,9 triệu)…

Phương Mai - Quốc Thắng