1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

CPI những tháng cuối năm:

Cảnh giác khi giá bên ngoài tăng nhiệt

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tiếp tục đà tăng chậm lại của quý II là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn phải theo sát tình hình để dự phòng các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong những tháng tới.

Cảnh giác khi giá bên ngoài tăng nhiệt - 1
CPI chỉ tăng 0,06% trong tháng 7, thấp nhất so với cùng kỳ trong 7 năm trở lại đây.
 
Trước hết, thay vì 0,2 - 0,3% như dự báo, việc CPI chỉ tăng 0,06% trong tháng 7, thấp nhất so với cùng kỳ trong 7 năm trở lại đây, thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã đạt được kết quả rất đáng mừng trong những điều kiện khách quan thuận lợi kể từ khi cơn sốt nóng giá cả thế giới bùng phát trên diện rộng với cường độ cũng mãnh liệt chưa từng có từ năm 2004 đến nay. Thực tế này được thể hiện rất rõ ở hai khía cạnh chủ yếu sau đây:
 
Thứ nhất, với đặc thù của một nền kinh tế mà “rổ hàng hoá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu” tới 60 - 64% GDP, khác hẳn cùng kỳ từ năm 2004 đến nay, những tháng đầu năm nay, thị trường trong nước không còn bị “gia nhiệt” bởi giá nguyên liệu thế giới.
 
Cụ thể, các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tính đến giữa năm, trong khi giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới trong năm 2004 so với cuối năm 2003 tăng 22,03%; cùng kỳ năm 2005 tăng 18,80%; cùng kỳ 2006 tăng 18,80%; cùng kỳ 2007 tăng 9,80%; cùng kỳ 2008 tăng kỷ lục 37,62% và cùng kỳ 2009 vừa qua cũng tăng rất mạnh 29,17%, nhưng 6 tháng vừa qua chỉ tăng vỏn vẹn 1%.
 
Trong đó, cần nói rõ thêm rằng, nếu như giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới trong nửa đầu các năm từ 2004 đến 2009 tuy khác nhau về mức độ, nhưng có chung một điểm là hầu như liên tục tăng, thì trong nửa đầu năm nay có lúc trồi, khi sụt: tháng 1 tăng 2,34%; tháng 2 giảm 2,61%; hai tháng 3 và 4 tăng 4,02% và 6,04%; còn tháng 5 đã giảm mạnh 7,31% và hai tháng 6 và 7 vừa qua tiếp tục giảm nhẹ.
 
Trong điều kiện như vậy, rõ ràng là việc giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới sốt nóng từ năm 2004 đến năm 2009, đồng nghĩa với quy mô nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới vào thị trường trong nước trong trong khoảng thời gian này liên tục tăng rất lớn, còn trong 7 tháng đầu năm nay thì “nhập khẩu sốt lạnh” đã “trung hòa” hầu như toàn bộ “nhập khẩu sốt nóng”, cho nên không thể nói là, giá tiêu dùng trong nước tăng bởi yếu tố này như 5 năm trước đó.
 
Thứ hai, cũng do tác động của giá cả thế giới, việc CPI trong nước 7 tháng qua tăng 4,84% còn được hỗ trợ bởi giá gạo thế giới chẳng những không tăng, mà còn liên tục tụt dốc rất mạnh, khiến giá lương thực trong nước cũng tụt dốc theo.
 
Cảnh giác khi giá bên ngoài tăng nhiệt - 2
CPI trong nước 7 tháng qua chỉ tăng 4,84% còn được hỗ trợ bởi giá gạo thế giới.
 
Cụ thể, các số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá gạo thế giới tháng 2 giảm 8,02%; tháng 3 giảm 5,96%; tháng 4 giảm kỷ lục 9,76%; tháng 5 giảm 2,16%, còn tháng 6 tuy có tăng 3,31%, nhưng tính cả 6 tháng vẫn “rơi tự do” tới 21,10% và trong tháng 7 lại tăng, nhưng chắc chắn mức tăng không lớn. Đây chính là “thủ phạm chính” khiến cho giá lương thực trong nước 5 tháng gần đây liên tục giảm và đây là điều chưa từng có trong vòng 6 năm trở lại đây.
 
Tác dụng “làm mát” thị trường trong nước của nhóm hàng này trong 5 tháng gần đây đương nhiên không chỉ giới hạn ở quyền số 8,18% của nó trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng”, mà với vai trò của một mặt hàng nông sản chiến lược, sức lan toả của nó sang các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác, đặc biệt là đối với nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình chiếm tổng cộng gần 1/3 trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” của toàn xã hội.
 
Không chỉ có vậy, chỉ số giá lương thực, thực phẩm nói chung trên thị trường thế giới 6 tháng đầu năm nay cũng hầu như liên tục giảm và tổng mức giảm trong 6 tháng cũng lên tới 6,57%. Do vậy, đối với một quốc gia xuất khẩu một loạt nông sản chủ yếu như nước ta, đương nhiên thị trường thực phẩm trong nước cũng được “làm mát” bởi thị trường thế giới.
 
Nói cách khác, khác với giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới ở đầu vào nhập khẩu, sự biến động của giá cả thế giới trong những tháng qua còn có tác dụng “làm mát” thị trường trong nước thông qua đầu ra xuất khẩu của nền kinh tế nước ta.
 
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong khi không những không bị sốt nóng giá cả thế giới làm “gia nhiệt” ở các đầu vào nhập khẩu như 6 năm 2004 - 2009, mà còn được “làm mát” thông qua các đầu ra xuất khẩu, cho nên mức tăng 4,84% của giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm không phải là thấp, bởi cùng kỳ năm 2009 chỉ tăng 3,22%, cùng kỳ năm 2006 cũng chỉ tăng 4,46%. Điều này cũng có nghĩa là, việc CPI trong nước tăng mạnh như vậy trong 7 tháng qua, chỉ có thể là do những yếu tố nội tại của bản thân nền kinh tế nước ta.
 
Không những vậy, nếu loại trừ yếu tố “làm mát” của riêng thị trường gạo thế giới đối với thị trường lương thực trong nước, thì giá của tất cả các nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại trong 7 tháng qua đã tăng 5,17%, chứ không phải chỉ là 4,84% như của “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” nói chung như các số liệu thống kê.
 
Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, một khi giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng trở lại, tác nhân gây sốt nóng rất quan trọng này đối với nền kinh tế nước ta đương nhiên sẽ “cộng hưởng” với các tác nhân trong nước khiến lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại.
 
Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, như dự báo mới nhất của IMF, bình quân giá dầu mỏ thế giới năm nay sẽ tăng 21,8%, còn giá các loại nguyên liệu phi dầu mỏ sẽ tăng 15,5%. Trong khi đó, với việc liên tục giảm trong 3 tháng gần đây, giá nguyên liệu thế giới vẫn còn thấp khá xa. Do vậy, với đà hồi phục của kinh tế thế giới, việc giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới hồi phục là điều khó tránh khỏi.
 
Nói tóm lại, tuy đã đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng đó là trong những điều kiện khách quan thuận lợi chưa từng có, còn trong những tháng tới, trong khi những nguyên nhân gây tái lạm phát bên trong vẫn đang tồn tại, những nguyên nhân bên ngoài vẫn đang rình rập, vì vậy, cần tính đến các giải pháp dự phòng để bảo đảm chắc chắn thực hiện được mục tiêu đã được điều chỉnh.
 
Theo Nguyễn Đình Bích
Báo Đầu tư