1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cần 2,4 tỷ USD để rút ngắn chênh lệch giá vàng VN và thế giới?

(Dân trí) - Theo tính toán của lãnh đạo Công ty SJC, trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập 30 - 40 tấn vàng. Nếu tính tạm mỗi tấn vàng 60 triệu USD, số ngoại tệ bỏ ra lên tới 1,8 - 2,4 tỷ USD, tương đương 37.000 -50.000 tỷ đồng.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC (Công ty SJC) đã cho biết như vậy tại cuộc giao lưu trực tuyến về thị trường vàng. Theo lý giải của ông Dũng, giá vàng trong nước và thế giới còn cách biệt xa là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường.

Trước đây, để giữ giá sát với thế giới, chúng ta phải nhập vàng về đáp ứng nhu cầu thị trường. Số liệu mà ông Dũng đưa ra tại cuộc giao lưu cho thấy: “Trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập 30 - 40 tấn vàng. Nếu tính tạm mỗi tấn vàng 60 triệu USD, số ngoại tệ bỏ ra lên tới 1,8 - 2,4 tỷ USD, tương đương 37.000 - 50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn và bất khả thi”.

Cũng theo ông Lê Hùng Dũng, ưu tiên lớn nhất của Việt Nam lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu bỏ ra một lượng tiền lớn như trên để kéo giá vàng trong nước đi sát với giá vàng thế giới sẽ còn xuất hiện hàng loạt hệ lụy khác, đặc biệt là áp lực lên tỷ giá. “Nhưng ai là người mua và ai được lợi, chắc chắn không phải là người lao động, người làm công ăn lương,…mà chỉ toàn là "đại gia". Vậy để cứu đại gia chúng ta có cần thiết phải hy sinh lớn như vậy không?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Ông Dũng cho biết thêm: “Dù chênh lệch như vậy nhưng không có giao dịch số lượng lớn. Tuy nhiên, có chênh lệch lớn là do trước đó nhiều đơn vị đã mua số lượng lớn, nay mua lại nhằm cắt lỗ chứ không thể tạo ra lợi nhuận, nên không thể có lợi nhuận vào túi ai cả mà chỉ là lãi kỹ thuật. Do vậy, thời điểm này mua được lợi nhưng bán thì sẽ chịu lỗ vì trước đó đã mua giá cao”.

Còn nhớ, tại buổi lễ ký kết hợp đồng gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước, ông Dũng dự báo giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh về sát giá vàng thế giới sau 7 ngày. Trên thực tế, giá vàng đã giảm mạnh nhưng khoảng cách chênh lệch vẫn duy trì ở mức 3 - 4 triệu đồng/lượng. Và theo giải thích của vị đại diện này, phải 7 ngày sau khi ký hợp đồng và chính thức được sản xuất, gia công thì mới có thể giúp kéo giá trong nước về thế giới (hiện nay chưa gia công).

Bởi vì, theo ông Dũng, “khi chính thức được gia công, bình quân công dập đúc 80.000 lượng tương đương 3 tấn vàng một ngày, nếu lượng cung ứng ra thị trường đều đặn trong 10 ngày thì sẽ cung ra thị trường khoảng 30 tấn vàng, tương đương 37.000 tỷ đồng. Với số lượng này thì không có tổ chức, cá nhân nào tiêu thụ nổi, tức cung sẽ vượt cầu và sẽ kéo giá trong nước về sát thế giới. Do đó, đây là một tuyên bố có căn cứ chứ không phải câu nói vui”.

NHNN sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đưa giá vàng trong nước bám sát quốc tế.
NHNN sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đưa giá vàng trong nước bám sát quốc tế.

Cũng nói về việc đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa giá vàng trong nước bám sát quốc tế. Với khuôn khổ chính sách pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh vàng cũng như các công cụ của mình, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn tin tưởng sẽ thực hiện đúng mục tiêu của mình”.

Trả lời câu hỏi “Ngân hàng Nhà nước có tin sẽ kéo được giá vàng trong nước về sát với thế giới hay không và thế nào được coi là “sát”, ông Lê Minh Hưng cho biết: Trước đây khi chưa có Nghị định 24, chỉ cần giá trong nước chênh hơn 400.000 đồng/lượng so với thế giới là xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ với số lượng lớn để nhập vàng nguyên liệu trái phép, gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Diễn biến này cũng gây áp lực tới tỷ giá, dẫn đến tác động gia tăng lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng phải cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, việc này lại gây tiêu tốn ngoại tệ, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nay với quy định mới của Nghị định 24, dù chênh lệch giá trong nước và quốc tế lớn hơn nhiều so với mức 400.000 đồng, nhưng theo khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước là không còn những tiêu cực trên. Còn thế nào là sát giá và sát bao nhiêu, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán và xem xét cụ thể. Điều này còn phụ thuộc vào điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Theo các quy định hiện hành, chỉ có Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng như độc quyền sản xuất vàng miếng. Do vậy, khi giá vàng trong nước chênh lệch cao với thế giới có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung thì việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng là cần thiết và không gây xáo trộn lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá như trước đây khi các tổ chức phải mua ngoại tệ trên thị trường để nhập khẩu vàng.

Nhưng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc tham gia bình ổn sẽ phải bám sát theo mục tiêu xuyên suốt của Quốc hội và Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Nguyễn Hiền