Cải cách tiền lương: Sẽ không khống chế mức tối đa

(Dân trí) - Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, định hướng chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012 sẽ có nhiều thay đổi: nhà nước sẽ không quy định thang bảng lương đối với DNNN, không khống chế mức tối đa lương, phụ cấp của viên chức sự nghiệp công lập...

Thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình DN

Theo lộ trình lương tối thiểu 2003-2007, vào năm 2003 mức lương tối thiểu được xác định là 290.000 đồng/tháng và 340.000 đồng/tháng năm 2007. Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nên đến tháng 10/2006, mức lương tối thiểu chung tăng 450.000 đồng/tháng, nghĩa là cao hơn so với Đề án 110.000 đồng. Đến tháng 1/2008, lương tối thiểu chung đã tăng lên là 540.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua nền kinh tế trong nước đang phải đối mặt với tình trạng giá tiêu dùng ở mức cao. Giá cả thị trường diễn biến phức tạp, chỉ số giá từ năm 2003 đến tháng 5/2008 đã tăng hơn 70%. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng tới 113,82%... làm cho đời sống nhiều người lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những người có thu nhập thấp.

Từ thực tiễn trên, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, định hướng chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012 sẽ có những thay đổi. Về mức lương tối thiểu, đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính, Đảng, đoàn thể sẽ áp dụng mức lương tối thiểu chung và được hưởng chế độ phụ cấp công vụ tăng hàng năm.

Đối với viên chức khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện tiền lương phụ cấp không thấp hơn chế độ Nhà nước quy định. Trong đó, mức lương thống nhất áp dụng ở đơn vị bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chung, đặc biệt, không khống chế mức tối đa.

Đối với DN trong nước, từ 1/1/2008, hình thành mức lương tối thiểu vùng theo quy định, cùng với hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung; Đồng thời thực hiện lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình DN theo cam kết quốc tế khi gia nhập WTO, bắt đầu từ năm 2008.

Nhà nước không quy định thang bảng lương

Định hướng chính sách tiền lương cũng sẽ liên quan đến việc đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng được thu phí dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ về chi phí hoạt động.

Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc và các dịch vụ sự nghiệp không có thu như phổ cập tiểu học, y tế dự phòng sẽ do ngân sách nhà nước chi trả phí dịch vụ. Các đối tượng còn lại thanh toán theo đúng giá chi phí dịch vụ. Chính phủ quy định khung giá đối với từng loại dịch vụ. Trên cơ sở đó các địa phương quy định mức giá cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thu nhập của dân cư.

Nhà nước cũng không quy định thang bảng lương bắt buộc đối với DNNN mà để DN tự xây dựng thang bảng lương (có thể có khung lương để DN vận dụng). Về phía DN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xây dựng cơ chế thoả thuận về tiền lương trong các DN, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…

Theo ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, bên cạnh việc kiềm chế lạm phát, tăng cường công tác thanh kiểm tra của Nhà nước, Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật tiền lương tối thiểu, trong đó quy định rõ các nguyên tắc xây dựng thang bảng lương, định mức lao động trong các loại hình DN, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý tiền lương nhằm khuyến khích người lao động làm việc tích cực. Có như vậy, quyền lợi người lao động trong các DN mới được đảm bảo.

Lan Hương