1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các công ty sữa “phang nhau nảy lửa”

Năm 2010, một nhãn hiệu sữa mới, với nhà đầu tư đại gia đồng thời là chủ ngân hàng và một kênh truyền hình, xuất hiện. Những chiêu thức kinh doanh nhằm đẩy nhãn sữa mới trong tình hình thị trường đã cạnh tranh dữ dội khiến các công ty sữa “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Các công ty sữa “phang nhau nảy lửa” - 1


  

“Nông dân” hay trang trại là sạch?

 

80% sữa tươi nguyên liệu ở Việt Nam thu mua từ nông dân. Họ, có thể là những nông dân tỷ phú, có thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng nhờ đàn bò sữa 50 con, thậm chí có thể hơn, trong trang trại gia đình có máy vắt sữa, bồn chứa sữa, ô tô chở sữa đi giao, máy cắt cỏ, máy thái..., và cả những nông dân chỉ có vốn liếng là 1-2 con bò sữa, chuồng trại nhỏ, chưa được đầu tư nhiều.

 

 Năm 2010 chứng kiến sự bùng nổ về đầu tư cho ngành bò sữa và sản xuất sữa tươi nguyên liệu tại Việt Nam khi cùng lúc có 2 đại gia, một chiếm thị phần áp đảo trên thị trường, một mới nổi, cùng lúc tuyên bố nhập khẩu 4.000 bò sữa/ mỗi doanh nghiệp về Việt Nam. Họ mang máy bay đi chở bò, đón bò ở sân bay có cả các nhà báo với máy ảnh và đèn flash chói loà. Cả 2 đại gia cùng xây trang trại nuôi bò lớn và cả nhà máy chế biến sữa ở Nghệ An, một vùng vốn không được đánh giá cao về tiềm năng cho ngành chăn nuôi bò sữa.

 

Nhờ khoản đầu tư mạnh tay này, truyền thông đã xuất hiện khái niệm mới: Sữa trang trại và sữa do nông dân nuôi bò cung cấp khi quảng cáo sữa thành phẩm. Nhà  đầu tư mạnh tay, có “sữa trang trại” thì  tuyên bố phải sữa trang trại mới đảm bảo vệ  sinh, vì từ bò giống, thức ăn chăn nuôi, trang trại, hệ thống tồn trữ đều đảm bảo quy trình đạt chuẩn. Những doanh nghiệp đầu tư cho nông dân nuôi bò cũng có cái “lý” của họ, khi đang xây dựng mô hình những trang trại nông dân, với quy mô 20-50 con bò/trại, xây dựng trại bò mẫu và hệ thống thu mua ngay trong vùng nuôi bò.

 

Ai cũng có cái lý của mình nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp sữa  “phang” nhau chan chát. Ông sữa trang trại thì nói thu mua sữa từ nông dân, chở sữa bằng xe máy từ hộ chăn nuôi đến bồn chứa có thể xảy ra hỏng sữa. Chưa kể khó kiểm soát vì mỗi hộ nông dân lại có nguồn cỏ khác nhau, cách chăm sóc khác nhau, khó có sữa nguyên liệu chất lượng đồng nhất. Nhưng doanh nghiệp thu mua sữa từ nông dân cũng không chịu kém. Họ nói chăn nuôi bò sữa không phải là nghề xoá đói giảm nghèo, mà là nghề để làm giàu, người chăn nuôi cũng đang được học hành bài bản về nghề chăn nuôi bò sữa. Một số vùng nuôi bò phát triển hình thức trang trại trong dân lại có kinh nghiệm nuôi bò lâu năm. Tóm lại là không ai chịu ai.

 

Người dân có được lợi?

 

Trong tình hình thị trường sữa đang cạnh tranh dữ dội, sự xuất hiện của các tiêu chuẩn mới sẽ là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất sữa tăng cường đầu tư cho chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, ở khuôn khổ bài viết này là trong nhóm sản phẩm sữa. Lúc đó, người dân sẽ được lợi, nếu dù là thu sữa nguyên liệu từ trang trại tiêu chuẩn, hay từ trại bò sữa của nông dân cũng đều đảm bảo chỉ tiêu về dinh dưỡng, vi sinh, độ tươi ngon và quy trình chế biến theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.

 

Tất nhiên nếu đủ điều kiện, nông dân Việt Nam cũng muốn có những trang trại bò sữa như ở Úc và Hà Lan, mỗi trại có cả ngàn chú bò sữa, việc cắt cỏ, thái, ủ ướp thức ăn đều làm bằng máy. Nhưng trong điều kiện bò sữa giống không dễ mua, tiền vốn của người dân có hạn, việc đẩy mạnh phát triển những hộ chăn nuôi nhỏ là tất yếu. Chúng tôi đã đến những hộ nuôi bò sữa nhỏ, chưa được đầu tư, nhưng bên cạnh đó những trang trại gia đình lớn, có cả các cử nhân tốt nghiệp ĐH về tham gia cắt cỏ, nuôi bò, từ bỏ mục tiêu vốn được ưa chuộng xưa nay là ở lại thành phố làm việc. Thời điểm có cạnh tranh dữ dội như hiện nay, cũng là lúc các doanh nghiệp nên đẩy mạnh đầu tư cho nông dân, hỗ trợ họ xây dựng chuồng trại, đầu tư máy vắt sữa, máy tưới nước và công nghệ chăn nuôi. Đây cũng là cách đầu tư có lợi hơn cho những doanh nghiệp sản xuất sữa còn khó khăn về vốn, bởi sẽ giảm được chi phí đầu tư hơn nhiều so với hình thức đầu tư cả trang trại và bò giống từ đầu.

 

Theo ông Lê Văn Doan (Bộ Công Thương), Việt Nam đang có 73 doanh nghiệp sản xuất sữa, tăng rất mạnh so với 10 năm trước với chỉ 13 doanh nghiệp. Tiêu thụ sữa bình quân/người cũng đã tăng cao, đạt 15 lít/người/năm, trong khi năm 2000 mới chỉ đạt 8 lít/người/năm. Mặt hàng sữa chua và sữa nước nội địa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, ông Doan đánh giá, về thực trạng thiết bị và công nghệ, việc kiểm nghiệm chất lượng sữa mới dừng ở việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một số chỉ tiêu ghi trên bao bì mà chưa kiểm tra, phân tích được chất lượng, hàm lượng các vi chất có trong sữa.

 

Mức tăng trưởng trên 24%/ năm hấp dẫn với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia kinh doanh ở ngành hàng này, mặc dù mức  độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt và tình hình hiện nay minh chứng cho điều này, nhưng người mua sữa chỉ  được lợi nếu cạnh tranh để thúc đẩy chất lượng sữa, trong khi giá sữa vẫn bình ổn, chứ không phải đẩy mạnh đầu tư và quảng cáo, và mặt khác đẩy giá sữa lên quá cao so với thu nhập của số đông người dân.

 

Theo Thu Hằng

Sức khỏe & An toàn thực phẩm