1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

"Cá mập" nước ngoài mượn Việt Nam làm "bàn đạp" xuất khẩu

(Dân trí) - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận, thực tế hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới không phải là mới mà chỉ gia tăng mạnh hơn khi triển vọng ký kết các Hiệp định rõ nét hơn.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Cuối năm ngoái, trong một bài viết đăng tải trên Nikkei, hãng tin này cho biết, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà sản xuất gia công giày lớn nhất thế giới là Công ty Pou Chen (Đài Loan) từ năm 2012 đến nay đã và đang từng bước chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Ngành dệt may cũng chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều tập đoàn dệt may lớn trên thế giới, bao gồm cả đối thủ cạnh tranh của Pou Chen tại Đài Loan là Feng Tay hay các nhà sản xuất lớn trên thế giới như: Tập đoàn HanesBrands (Mỹ), Onewoo và Panko (Hàn Quốc)…

Trên thực tế, vấn đề chuyển nhà máy sang Việt Nam vừa có nhân công giá rẻ, vừa đón đầu cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cách mà nhiều công ty nước ngoài đang thực hiện nhằm dùng Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường lớn trong khối TPP.

Theo đó, một số chuyên gia lo ngại việc Việt Nam đóng vai trò xuất khẩu “hộ” sẽ khiến phần lợi nhuận từ một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực còn lại ít. Một số ý kiến khác cho rằng, Việt Nam nên có các chính sách phù hợp “mượn” nguồn vốn đầu tư này để phát triển kinh tế trong nước cùng với các cam kết chặt chẽ về chuyển giao công nghệ.

Trao đổi về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận, thực tế hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới không phải là mới, do chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào yếu tố này, mà chỉ gia tăng mạnh hơn khi triển vọng ký kết các Hiệp định rõ nét hơn.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cũng cần nhìn nhận đánh và giá đúng một số điểm lợi từ việc gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam trong năm vừa qua. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng ngày càng tăng trong các năm gần đây, tăng từ 34 tỷ USD (chiếm 49,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước) vào năm 2010 lên 110,59 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 68,2%) trong năm 2015.

"Như vậy, có thể nói, khu vực FDI đóng vai quan trọng trong nền kinh tế và kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong những năm gần nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú ý đến Việt Nam và chuyển đến đầu tư Việt Nam do họ nhìn thấy cơ hội lớn từ đầu tư tại nước ta khi Việt Nam ký kết các Hiệp định FTA lớn như TPP, FTA với EU, v.v…", ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, đây là cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mà trong nhiều năm qua Việt Nam chưa làm được do việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực: dệt may, da giày, cơ khí, ô tô…tiến tới giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm trong nước và xuất khẩu, đồng thời giảm gánh nặng cho nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư quốc tế để mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất và trong chừng mực nào đó tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, sản xuất từ các nước tiên tiến hiện đại. Trong đó, nền kinh tế Việt Nam mà đặc biệt là các lĩnh vực được đánh giá là chịu nhiều tác động từ các FTA như dệt may, da giày sẽ trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư nhằm nắm bắt cơ hội do hội nhập mang lại.

Đồng thời, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hoá và tham gia các hiệp định FTA, chỉ có các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới có thể trụ được, còn lại sẽ bị bật khỏi thị trường nếu năng lực cạnh tranh yếu. Do đó, đây cũng là cơ hội buộc các doanh nghiệp phải tự đánh giá lại, tìm hướng đi giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

"Tuy nhiên, để việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mang lại hiệu quả cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước, chúng ta cần phải có những chính sách phù hợp. Do đó, tùy từng giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta cần có các chính sách khuyến khích đầu tư theo hướng có chọn lọc và phù hợp vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng", Thứ trưởng nói thêm.

Phương Dung

"Cá mập" nước ngoài mượn Việt Nam làm "bàn đạp" xuất khẩu - 2