1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Bước nhảy thần kỳ" trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ từ con số 0

(Dân trí) - Từ xuất phát điểm gần như bằng con số 0, sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, đến nay, Mỹ đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trên toàn thế giới, sau Trung Quốc. Việt Nam cũng đã cải thiện vị thế lên thứ 19 trong số các quốc gia hàng đầu có quan hệ thương mại với Mỹ so với thứ 26 trong năm 2014.

Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước nhảy vọt sau 2 thập kỷ bình thường hóa quan hệ
Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước nhảy vọt sau 2 thập kỷ bình thường hóa quan hệ

Xuất siêu sang Mỹ liên tục tăng mạnh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2016, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ tổng cộng 3,1 tỷ USD hàng hóa, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm lên tới 11,45 tỷ USD.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ nhập từ Mỹ gần 734 triệu USD hàng hóa trong tháng 4 và 2,47 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Như vậy, cán cân thương mại vẫn đang nghiêng về phía Việt Nam với mức thặng dư 2,4 tỷ USD trong tháng 4 và xấp xỉ 9 tỷ USD trong 4 tháng.

Phía Việt Nam chủ yếu nhập mạnh máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Mỹ (gần 150 triệu USD trong tháng 4); phương tiện vận tải khác và phụ tùng (173,3 triệu USD trong tháng 4)…

Trong khi đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Chỉ 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 3,4 tỷ USD hàng dệt, may; 1,33 tỷ USD giày dép các loại; 1,5 tỷ USD điện thoại các loại và linh kiện; 407,7 triệu USD hàng thủy sản; 225,2 triệu USD hạt điều; 143,3 triệu USD cà phê…

Trước đó, Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2015, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong số các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Cụ thể, tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa hai nước trong năm đạt 41,3 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt 33,5 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu là 7,79 tỷ USD, tăng 24%.​ Việc xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh đã đưa con số thặng dư trong cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam và Mỹ lên mức 25,7 tỷ USD.

Còn theo các số liệu mới của Tổng cục thống kê Mỹ, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng 24,07%, từ 36,32 tỷ USD (của năm 2014) lên 45,06 tỷ USD năm 2015. Xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng 23,32% trong khi nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam tăng 24,21%. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ và Việt Nam là 30,92 tỷ USD (cao hơn so với thống kê từ phía Việt Nam).

Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đứng thứ 19 trong số các quốc gia hàng đầu có quan hệ thương mại với Mỹ, con số này là thứ 26 trong năm 2014.

Những con số này nếu so với thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây hơn 20 năm trước (gần như là con số 0), quả thật là một bước nhảy thần kỳ!

Cho đến nay, Mỹ là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam trên toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực châu Mỹ.

Mặc dù vậy theo Cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade), trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ mới chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này, trong khi đó, kim ngạch xuất sang Việt Nam mới cũng vỏn vẹn 0,47% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ ra thế giới. Điều này cho thấy, giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện hợp tác giao thương.

Kỳ vọng những bước tiến lớn sau các chuyến thăm cấp cao và TPP

Giới chuyên gia cho rằng, năm 2017, nếu không có gì thay đổi, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có với sự tham gia của cả Mỹ và Việt Nam có hiệu lực, quan hệ hai nước, dự báo, sẽ bước vào trang sử mới với gia tốc tăng trưởng thương mại ngày càng cao.

Chính phủ của ông Obama ủng hộ TPP - một hiệp định được cho là sẽ có lợi cho cả Việt Nam và Mỹ
Chính phủ của ông Obama ủng hộ TPP - một hiệp định được cho là sẽ có lợi cho cả Việt Nam và Mỹ

Hiện tại, TPP đã hoàn thành quá trình đàm phán và đang chờ Quốc hội các nước thành viên thông qua. Khi được Quốc hội các nước thông qua và có hiệu lực, TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội, như: thuế suất cho phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm xuống 0%.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được cho là sẽ tăng mạnh hơn nữa, trong khi thuế suất đối với các đối thủ cạnh tranh chưa tham gia TPP vẫn được duy trì ở mức cao, như: 7% đối với gạo từ Thái Lan hay Ấn Độ. Thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất trong nước về may mặc, thủy sản, cà phê...

Theo nhận định của Bộ Công Thương, sau sự kiện TPP được các nước thành viên ký kết vào đầu tháng 2, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang rất hy vọng sẽ được Quốc hội các nước sớm thông qua, và nếu việc này sớm trở thành hiện thực, thì cơ hội và lợi thế mà TPP mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ. Triển vọng con số tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016 đạt mức 40 tỷ USD là hoàn toàn có thể.

Trong cuộc gặp giữa ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hồi tháng 3 vừa rồi, hai bên cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ bao gồm các dự án trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, y tế, hạ tầng giao thông.

Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích, hỗ trợ Mỹ thúc đẩy hơn nữa đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực… Đồng thời lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Đại sứ Mỹ hỗ trợ, phối hợp trong việc thông tin, kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ đầu tư, thực hiện dự án trong các lĩnh vực này tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Mỹ đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Tính đến hết năm 2015, FDI của Mỹ vào Việt Nam trên 11,1 tỷ USD, đứng thứ 7 trong danh sách các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Có một số dấu hiệu còn cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ có thể chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do lợi thế về chi phí lao động thấp.

Trao đổi trên VOV mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh cũng đánh giá, quan hệ thương mại song phương cho đến nay đã lên tới 45 tỷ USD, gấp 90 lần so với 20 năm trước đây. Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 22 - 25/5 tới. Tôi hoàn toàn tin tưởng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên.

Ông Vinh cho rằng, tiếp nối chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, chuyến thăm của Tổng thống Obama sắp tới sẽ mở ra những thỏa thuận lớn trong những vấn đề này, từ hợp tác kinh tế cho đến những lĩnh vực hợp tác khác.

Bích Diệp

“Bước nhảy thần kỳ" trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ từ con số 0 - 3