1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bức xúc vì phí BOT, bị thanh kiểm tra “hành”… doanh nghiệp “kêu” lên Thủ tướng

(Dân trí) - Trước thềm cuộc đối thoại với người đứng đầu Chính phủ, không ít doanh nghiệp đã gửi văn bản kiến nghị bày tỏ bức xúc về việc liên tiếp phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra chồng chéo, phiền hà, phải chịu phí BOT cao trong quá trình vận tải.

Để chuẩn bị cho Hội nghị giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp (DN) dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5 này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thống kê 274 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và đã chuyển các cơ quan theo thẩm quyền xử lý và tổng hợp 182 kiến nghị của các hiệp hội DN và DN.

Năm nay, những kiến nghị của DN chủ yếu vẫn tập trung vào vấn đề cải cách hành chính. Bên cạnh đó, không ít DN bày tỏ bức xúc về việc liên tiếp phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra chồng chéo, phiền hà, phải chịu phí BOT cao trong quá trình vận tải.

Thanh tra nhũng nhiễu, phiền hà!

Cụ thể, Hiệp hội DN Địa chất và khoáng sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần loại bỏ sự quản lý chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra. Theo phản ánh của hiệp hội nay, hàng năm, DN phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra.

Điển hình, trong năm 2016, Công ty CP Xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Việt Nam được 4 đoàn tới thanh, kiểm tra với nội dung gần như nhau: Đoàn của UBND huyện, đoàn của Sở Tài nguyên Môi trường, đoàn của Công an môi trường, đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh.

Nội dung thanh tra là theo các quy định của pháp luật và các văn bản pháp lý liên quan các hoạt động từ khi có dự án mà không giới hạn thời gian những năm trước đã kiểm tra rồi.

Thủ tướng sẽ gặp và đối thoại với cộng đồng DN vào trung tuần tháng 5/2017
Thủ tướng sẽ gặp và đối thoại với cộng đồng DN vào trung tuần tháng 5/2017

Cũng về nội dung này, Hiệp hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ triển khai thực hiện nghiêm túc về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN. Theo đó, thanh tra DN phải đúng quy trình, thủ tục quy định, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, tránh tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà đối với DN.

Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa. Theo ngân hàng này, hệ thống hành chính Việt Nam hiện nay còn phức tạp, gây mất nhiều thời gian cho DN trong việc thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đẩy mạnh.

Công tác cải cách hành chính tại các địa phương không đồng đều, điều này sẽ gây khó khăn cho các DN có nhiều chi nhánh và có mạng lưới rộng khắp khi thực hiện các chương trình lớn triển khai trên nhiều tỉnh thành.

Ngân hàng Đại Dương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo cầu nối, tạo môi trường để các DN được liên kết, gặp gỡ các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, từ đó thúc đẩy hoạt động cộng đồng DN tại địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa phản ánh, khi DN đến giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, tiếp cận đất đai và các thủ tục khác liên quan đến hoạt động của DN vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian, gây khó khăn cho DN và ảnh hưởng đến dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, theo hiệp hội này, một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ chưa đúng mức khi làm việc với DN, thiếu khách quan. Một số cán bộ, chuyên viên thực hiện phần việc mình phụ trách hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thiếu thực tế, chưa bám sát vào đặc thù của loại hình DN, cứng nhắc, thiếu sự vận dụng về chính sách nên những kiến nghị về khó khăn, tồn đọng của DN không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta/Thanh Hóa đề nghị rà soát, điều chỉnh việc bắt buộc phải xin giấy phép con đối với một số lĩnh vực không phải là nhạy cảm, ngành nghề bị hạn chế… Ví dụ, DN bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh vận tải mới được vận chuyển hàng hóa. Do đó, DN này kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống văn bản điện tử để giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho DN.

Phí BOT vẫn là một trong những vướng mắc được nhiều DN kiến nghị lên Thủ tướng
Phí BOT vẫn là một trong những vướng mắc được nhiều DN kiến nghị lên Thủ tướng

Kiến nghị giảm phí BOT

Hiệp hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng cũng phản ánh tình trạng thời gian qua, việc triển khai thu phí đường bộ với các dự án BOT tại một số tuyến đường đã gây ra không ít những điều tiếng khiến dư luận xã hội băn khoăn.

Vừa qua Kiểm toán Nhà nước sau khi tiến hành kiểm toán một loạt các dự án BOT đã có kết luận và chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có những vấn đề đã được dư luận “điểm mặt chỉ tên” trước đó.

Về vấn đề này, DN đề nghị Nhà nước cần nhanh chóng có kết luận chính thức, yêu cầu các DN đầu tư các dự án BOT và các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải có hành động xử lý những vấn đề liên quan đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận.

“Nên chăng để tránh gây lãng phí xã hội và tạo ra một cách ứng xử trong văn hóa giao thông là giảm mức thu phí tại một số dự án BOT (đặc biệt là đối với tuyến cao tốc Hải Phòng – Hà Nội), hiệp hội này đề xuất.

Bởi, theo các DN thuộc hiệp hội, phương án này sẽ giúp thu được phí đối với các loại xe vận tải hàng hóa trong đó có số lượng lớn là xe container và lái xe bỏ dần thói quen tránh các cung đường phải nạp phí để đi vào đường “tỉnh lộ, huyện lộ” không mất phí nhưng góp phần làm cho các con đường đó nhanh chóng xuống cấp, hệ lụy là Nhà nước phải chi thêm tiền cải tạo, khôi phục.

Bích Diệp