1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đắk Nông

Bón phân… quá chất lượng, nông dân nhận trái đắng

(Dân trí) - Dù bón phân theo đúng hướng dẫn của công ty và đại lý phân phối nhưng nhiều diện tích cây công nghiệp của người dân lại héo vàng, rụng trái, chết khô. Theo lý giải của nhà sản xuất, nguyên nhân là do phân quá chất lượng nên ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng?

Cây chết đồng loạt sau khi bón phân

Trong lúc nhiều hộ nông dân trên địa bàn tập trung chăm sóc cho hồ tiêu trong thời kỳ ra hoa, tạo quả thì gia đình ông Nguyễn Ngọc Tỵ (xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lại loay hoay tìm người đến phá dỡ gần 2000 trụ tiêu.

Theo tính toán của gia đình ông Tỵ, vườn tiêu sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên vào cuối năm nay, nhưng bây giờ phải phá bỏ thiệt hại lên đến gần nửa tỷ đồng.

Ông Tỵ cho biết, thời gian trước vườn tiêu của gia đình ông phát triển bình thường, nhưng thấy cây cần chất dinh dưỡng cho quá trình kết quả, tạo hạt nên gia đình ông mua hơn 1 tấn phân hữu cơ vi sinh E.K. của một công ty tại Đắk Lắk để bón. Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau khi bón, lần lượt các trụ tiêu trong vườn có biểu hiện vàng lá, rụng đốt, rụng quả.

Nhiều cây cà phê của nông dân chết khô sau khi bón phân
Nhiều cây cà phê của nông dân chết khô sau khi bón phân

Tháng 8/2017, gia đình bà Lưu Thị Lành (thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long) cũng phản ánh về việc hơn 2 ha cà phê của gia đình rụng lá, chết cành sau khi bón phân lân TE nhãn hiệu C.H của một công ty tại Đồng Nai. Sau khi phản ánh sự việc thì công ty và đại lý phân bón có về kiểm tra nhưng lại đưa ra kết luận do nồng độ pH trong đất cao, dẫn đến hiện tượng cà phê héo úa, chết khô.

Tuy nhiên, một số gia đình khác trong xã sử dụng phân bón trên, cây cà phê cũng có hiện tượng tương tự nên bà Lành nghi ngờ liên quan đến chất lượng phân bón. Sau đó, bà Lành mang số phân còn lại đến Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng tại Lâm Đồng để kiểm nghiệm độc lập. Kết quả cho thấy, có nhiều thành phần vượt xa hàm lượng công bố như kẽm (Zn) vượt gần 4 lần, sắt (Fe) vượt gần 2 lần…

Kết quả xét nghiệm độc lập cho thấy hàm lượng thực tế vượt mức công bố
Kết quả xét nghiệm độc lập cho thấy hàm lượng thực tế vượt mức công bố

Bà Lành cho rằng đây là nguyên nhân chính làm vườn cà phê của gia đình bà bị rụng lá, chết cành sau một thời gian bón phân.

Tương tự ông La Văn Thành (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long) có đơn gửi tới các cơ quan chức năng phản ánh tình trạng vườn tiêu của gia đình ông xảy ra hiện tượng tiêu vàng lá, rụng đốt và chết hàng loạt sau khi bón phân hữu cơ M.N do một công ty tại Bà Rịa – Vũng Tàu sản xuất và phân phối ra thị trường.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau đó đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hộ dân và đại diện đơn vị sản xuất phân bón lấy mẫu phân bón theo quy định để gửi đi kiểm tra tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy nhiều thành phần vi chất gấp 2-3 lần so với công bố trên bao bì như: đạm đăng ký trên bao bì là 5% nhưng kết quả phân tích là 12,9%; hữu cơ đăng ký 23% - thực tế gần 58%; axit humic đăng ký 2,5% - thực tế là 5,16%...

Ngộ độc vì phân bón... quá chất lượng !

Thực tế hiện nay, sau khi nông dân phản ánh đến nhà sản xuất, các công ty này đều phủ nhận tác động xấu của phân bón đối với cây trồng. Nhà sản xuất cho rằng, hàm lượng thành phần trong phân bón cao hơn hàm lượng công bố, chứng minh phân bón có chất lượng tốt, đối với cây công nghiệp thì điều đó chỉ có lợi chứ không có hại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông cho biết, các nhà sản xuất phân bón cần phải bảo đảm thành phần, vi chất đúng như tiêu chuẩn công bố. Việc các hàm lượng vượt quy chuẩn công bố nhiều lần rất dễ ảnh hưởng xấu tới cây trồng và gây thiệt hại cho người dân.

Nhà sản xuất lại cho rằng phân vượt chất lượng chỉ có lợi cho cây trồng
Nhà sản xuất lại cho rằng phân vượt chất lượng chỉ có lợi cho cây trồng

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng chỉ có căn cứ để xử lý phân bón kém chất lượng, phân bón giả, còn đối với phân bón có các thành phần vượt mức đăng ký trên bao bì, thì các quy định của luật còn vướng nên một số trường hợp phát hiện phân bón có vấn đề nhưng không xử lý được.

Ông Trần Mậu Dũng, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng, luật chỉ quy định chế tài xử phạt, xử lý đối với phân bón kém chất lượng, phân giả, phân không đạt các tiêu chuẩn công bố, đăng ký. Còn các loại phân có thành phần vượt tiêu chuẩn công bố, hoặc có các tạp chất luật không quy định nên không có căn cứ để xử lý.

Phân lẫn tạp chất, có hàm lượng vượt công bố, phân bón giả… đang là nỗi lo của nông dân
Phân lẫn tạp chất, có hàm lượng vượt công bố, phân bón giả… đang là nỗi lo của nông dân

Trong khi đó, ông Phạm Tường Độ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông, cho biết từ trước tới nay, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, đơn vị phát hiện rất nhiều sản phẩm phân bón có thành phần vượt tiêu chuẩn công bố. Tuy nhiên, phát hiện nhưng lại không có chế tài xử phạt. Trong khi nhiều thành phần vượt từ 4 – 5 lần so với công bố, dễ ảnh hưởng xấu tới cây trồng, gây “ngộ độc” vì vượt quá hàm lượng cho phép.

Liên quan tới vấn đề này, tháng 9/2017 Chi cục Quản lý thị trường Đắk Nông đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở này đang kinh doanh lô phân bón 10 tấn có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng (hàm lượng thực tế cao hơn hàm lượng công bố). Tuy nhiên, ngoài việc xử phạt hành chính Chi cục Quản lý thị trường chỉ được yêu cầu công ty sản xuất phải tái chế lô phân bón vi phạm trên theo quy định của pháp luật.

Dương Phong