1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ trưởng Tài chính lý giải việc vì sao giá xăng tăng nhiều, giảm ít

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thừa nhận về ý kiến của đại biểu Quốc hội về “hiện tượng giá xăng dầu trong nước chưa bám sát giá thế giới, tăng nhiều nhưng giảm không tương xứng là hoàn toàn đúng”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh: Việt Hưng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh: Việt Hưng).

Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng nay 31/10 về việc giá xăng dầu trong nước chưa bám sát giá thế giới, tăng nhiều mà giảm không tương xứng “là hoàn toàn đúng”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huệ, về bản chất do Nghị định 84 quy định chu kỳ tính giá cơ sở xăng dầu là 30 ngày. Hơn nữa, khi giá tăng cao, Chính phủ phải sử dụng công cụ giảm thuế nhập khẩu.

“Trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ thuế nhập khẩu ở 0% trong khi biểu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu là từ 20-30% và sử dụng Quỹ bình ổn giá, thậm chí phải sử dụng cả lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối 300 đồng/lít. Nên khi giá thế giới giảm phải có bù lại một phần thuế và quỹ bình ổn nên giảm giá chưa tương xứng với phần đã tăng”, Bộ trưởng nói.

Về việc sửa đổi Nghị định 84 và cơ chế quỹ bình ổn giá, hiện Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định này.

Cũng theo thông tin từ Bộ trưởng Huệ: Trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiểm toán và công khai Quỹ Bình ổn giá. Năm 2012, Kiểm toán cũng đã kiểm tra, kiểm toán toàn diện Tổng Công ty xăng dầu Petrolimex.

Theo đó, Bộ trưởng Huệ đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu để giao Ủy ban Kinh tế hoặc Ủy ban tài chính ngân sách phối hợp Hội đồng dân tộc cùng các ủy ban của Quốc hội tiến hành một cuộc giám sát chuyên đề toàn diện về quản lý giá. Đặc biệt là giá xăng dầu ngay trong năm 2013 để “chúng ta có thể phát huy thành tích, kết quả, đồng thời chỉ ra những bất cập, tồn tại, khuyết điểm làm cho công tác điều hành giá cả được tốt hơn”.

Về phí sử dụng đường bộ, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư để lấy ý kiến theo Quyết định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 18/2012 về quỹ bảo trì đường bộ. Phí sử dụng đường bộ dự kiến áp dụng từ 1/7/2012, nhưng do điều kiện khó khăn, Nghị quyết 13 của Chính phủ quyết định là hoãn trong thời gian 6 tháng. Tại thông báo 161 năm 2012, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng thông tư để áp dụng từ 1/1/2013.

Bộ trưởng Huệ cũng cho biết, tại đề án trình Chính phủ ban hành Nghị định 18, Bộ Giao thông vận tải cũng đã dự kiến khi đưa phí sử dụng đường bộ vào sử dụng thì sẽ xóa bỏ tất cả các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Đối với các trạm thu phí chuyển giao quyền thu phí, trạm thu phí BOT cũng sẽ được xóa bỏ khi hết thời gian chuyển giao, thời gian hoàn vốn BOT. Hiện nay Bộ Tài chính và Giao thông vận tải cũng đang tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội về các đối tượng thu và mức thu để có quyết định phù hợp.

Nguyễn Hiền