1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tăng trưởng 6,7% không phải nhiệm vụ “bất khả thi”

(Dân trí) - "Giữ vững mục tiêu và để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 là việc làm khó nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi, không thể thực hiện được,", đó là chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về những lo ngại trước thách thức tăng trưởng 6,7% của nền kinh tế.

Tại buổi trao đổi với báo giới chiều nay (26/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% không chỉ là giải pháp cho hiện tại mà còn giúp Việt Nam tránh tụt hậu so với các nước. Cho dù quý I/2017 tăng trưởng GDP không đạt yêu cầu, nhưng triển vọng kinh tế trong quý II và những quý tiếp theo có rất nhiều điểm sáng, thuận lợi.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Điều kiện và các cơ hội của Việt Nam đang thuận lợi để kinh tế duy trì tăng trưởng cả năm 6,7%
Bộ KH&ĐT khẳng định: Điều kiện và các cơ hội của Việt Nam đang thuận lợi để kinh tế duy trì tăng trưởng cả năm 6,7%

Đủ cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng đã định

Bộ Trưởng Dũng giải thích: Năm 2017 là năm bản lề của kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước, trong năm 2016 chúng ta đã không đạt được mục tiêu, nếu năm 2017 tiếp tục không đạt, sẽ ảnh hưởng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và chiến lược phát triển của Việt Nam.

"Tăng trưởng có nhiều ý nghĩa như tạo nguồn lực cho phát triển, tăng chi tiêu an sinh xã hội, đầu tư, trả nợ, đảm bảo việc làm, ổn định xã hội… Bên cạnh đó, tăng trưởng cao sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp trình độ phát triển của các nước trong khu vực. Ta đã thua kém các nước rồi nên buộc tăng tốc nhanh để đuổi kịp họ", ông Dũng nêu lý do.

Ông Dũng cho biết: Hiện bối cảnh thương mại của thế giới đang phục hồi tích cực và trong nước điều kiện thời tiết thuận lợi khiến ngành nông nghiệp – (điểm nghẽn tăng trưởng năm trước) đã phục hồi tốt. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang hướng mạnh vào hàng hoá, chuyên sâu, nông nghiệp công nghệ cao nơi có giá trị, gia tốc tăng trưởng lớn. Về vốn đầu tư, triển vọng quý II và những quý tiếp theo sẽ tăng mạnh so với trước. Ngành du lịch tăng trưởng cao, thu ngân sách địa phương tăng...

"So với điều kiện của các năm trước, các điều kiện cho phát triển các ngành năm nay là tốt, Việt Nam có đủ cơ sở để tự tin phấn đấu với mục tiêu tăng trưởng đã định", Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, "quan điểm của Chính phủ là tăng trưởng cao không có nghĩa là tăng trưởng bằng mọi giá. Chính phủ luôn duy trì quan điểm không đánh đổi môi trường để tăng trưởng. Tăng trưởng phải đảm bảo yếu tố bền vững, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội”, ông Dũng chia sẻ.

Về đề xuất hút thêm 1 triệu tấn dầu thô cứu tăng trưởng mà Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội, Bộ trưởng Dũng nói: “Trên lý thuyết cứ khai thác 1 triệu tấn dầu, sẽ đóng góp 0,25% tăng trưởng. Năm 2016, Việt Nam khai thác sản lượng dầu thô là 16 triệu tấn; kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 được xây dựng chỉ 12,28 triệu tấn (hụt đi hơn 3 triệu tấn)”.

Cấp bách tháo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định: Việc xây dựng sản lượng khai thác dầu thô giảm là do giá dầu thô thế giới giảm mạnh từ những năm trước và yêu cầu giảm phụ thuộc tăng trưởng dựa vào khai thác dầu thô. Trước thực tế giá dầu thô thế giới đang nhích tăng, đây là cơ hội giúp chúng ta bổ sung việc khai thác dầu thô vào các giải pháp để giúp giữ vững mục tiêu tăng trưởng, có thể khai thác 1 triệu tấn. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt nhưng vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới và chỉ là một trong các giải pháp đề xuất.

"Giữ vững mục tiêu và để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là khó nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi, không thể thực hiện được. Tôi tin nếu chúng ta có giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta hoàn toàn có thể đạt được”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, có hai nhóm giải pháp được đưa ra. Về dài hạn, cần cải cách cơ chế chính sách, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thị trường trong nước.

Trong ngắn hạn, cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN về chi phí, cơ chế chính sách để họ có niềm tin bỏ tiền ra kinh doanh, đầu tư. “Chúng ta có nhiều nguồn vốn nhưng điều kiện hấp thụ vốn chưa thuận lợi như hạ tầng, thể chế, cơ chế, năng lượng và nhân lực.. yếu kém. Vấn đề giảm chi phí cho DN hiện nay được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo mọi nơi phải làm sao để DN có môi trường, hệ sinh thái tốt nhất đủ sức cạnh tranh và hội nhập”, ông Dũng nói.

Nguyễn Tuyền