1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ trưởng “khiển trách” doanh nghiệp tại lễ thông xe

“Rõ ràng, hôm nay thông xe kỹ thuật, nhưng chúng ta chưa thể hài lòng với sản phẩm mà chúng ta đã được chứng kiến”. Lạc khỏi mạch văn trong bài phát biểu chuẩn bị sẵn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói.

Bộ trưởng “khiển trách” doanh nghiệp tại lễ thông xe - 1
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại lễ thông xe kỹ thuật đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
 
Trước đó, trong bài phát biểu của mình tại lễ thông xe kỹ thuật dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn từ Cầu Giẽ đến Phủ Lý, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ông Trần Xuân Sanh, cũng tự nhận rằng, dự án đã chậm so với tiến độ kế hoạch và còn một số hạng mục chưa triển khai xong vì điều kiện khách quan.

 

“Tôi đề nghị đồng chí Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - người chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu - có tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm về quá trình chuẩn bị đầu tư, cũng như triển khai thi công đoạn đầu này”, ông Thăng nói trong buổi lễ long trọng của VEC.

 

“Khi chúng ta thông xe toàn tuyến, tức là từ đây đến Ninh Bình, thì không thể để tình trạng tồn tại như hiện nay lặp lại. Rõ ràng, khi chúng ta đi trên đường, vẫn còn thấy chưa được như mong đợi”, ông lưu ý các cấp dưới và những đơn vị tham gia dự án.

 

Về phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch VEC Trần Xuân Sanh nói với PV: “Tôi thấy Bộ trưởng dặn dò rất đúng”.

 

Hướng ánh nhìn về phía mặt cầu đã hoàn thiện mặt đường ở phía trước, ông Sanh cho biết: “Đường của chúng tôi mới là khai thác tạm, còn một lớp bê tông tạo nhám. Khi lớp đó hoàn thiện thì nó sẽ khác. Có thể so sánh với hai km ở đầu tuyến, hay mặt cầu, chúng tôi đã làm tạo nhám rồi thì chất lượng khác”.

 

Cũng theo ông Sanh, đoạn tuyến Cầu Giẽ - Phủ Lý có chiều dài 23 km đã được hội đồng nghiệm thu cơ sở và hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiêm thu đảm bảo chất lượng, mỹ quan, đủ điều kiện để đưa vào khai thác. Ông nói thêm: “Mặt đường hiện tại chúng tôi chưa thảm bê tông chịu nhám nên hạn chế tốc độ, đề phòng trượt thôi, còn độ bằng phẳng đã đạt tiêu chuẩn thiết kế”.

 

Sau buổi lễ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nối lại câu chuyện khi được PV đề cập về phần phát biểu chỉ đạo của ông trước đó. “Tôi đã nói thế rồi, cũng nên ủng hộ để cho họ làm”, ông nói lại.

 

“Khó khăn thì nhiều, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung các giải pháp để kiềm chế lạm phát, thì tất nhiên nguồn tiền sẽ khó. Rồi giải phóng mặt bằng và nhiều thứ kèm theo lắm, thì phải gỡ thôi”, ông Thăng thông tin thêm.

 

Trong khi đó, đề cập những khó khăn dự án phải đối mặt, người đứng đầu VEC cho biết vẫn là chuyện vốn và giải phóng mặt bằng. Trong đó, cái thì là bất khả kháng trước điều kiện kinh tế thay đổi chóng vánh, cái thì lại do chính sách mới điều chỉnh khác đi.

Theo ông Sanh, do là dự án đặc thù, không phải do ngân sách cấp phát mà do doanh nghiệp tự huy động bằng phát hành trái phiếu công trình. Thời gian qua, khi huy động vốn qua trái phiếu, nhưng lãi suất thị trường biến động, tăng hơn 200%. “Có lúc chúng tôi không thể huy động được”, ông cho biết.

 

Về giải phóng mặt bằng, Chủ tịch VEC thông tin, trong thời gian vừa qua, khó khăn cũng có phần do biến động về chính sách thay đổi, từ 197 rồi 69 (Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Nghị định 69/2009/NĐ-CP liên quan đến giá đất, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư).

 

“Có những đoạn giải tỏa trước 69, sau khi có 69, dân lại muốn đề nghị theo nghị định mới. Cho nên, ngoài chuyện vốn liếng cho công tác giải phóng mặt bằng, còn có vấn đề khó khăn về giải quyết phù hợp với quy định mới”, ông Sanh nói.

 

Theo một nguồn tin từ VEC, mức dự kiến kinh phí để giải phóng mặt bằng tại dự án này từ 489 tỷ đồng trước đó, nay đã tăng khoảng gấp đôi, nhưng tổng công ty này vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch hoàn chỉnh. “Giai đoạn 2 vẫn còn khoảng 3% diện tích chưa giải phóng mặt bằng, chủ yếu ở tỉnh Nam Định”, ông Sanh cho biết.

 

Những phát sinh ngoài dự kiến đang ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn vốn tại dự án này. “Chúng tôi phải tính toán lại khả năng hoàn vốn của  dự án vì có nhiều biến động. Lãi suất tăng cao hơn 200%, rồi thời gian huy động vốn cũng chậm lại thì rõ ràng phải kéo dài thời gian hoàn vốn, sẽ có ảnh hưởng”, Chủ tịch VEC thông tin.

 

Giải pháp doanh nghiệp này đang thực hiện là tái cơ cấu lại vốn đầu tư dự án. “Trước đây, vốn cho dự án là do chúng tôi vay 100%. Tái cơ cấu kỳ này, chúng tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ 32% tổng mức đầu tư. Nếu vậy, chúng tôi có khả năng hoàn vốn trong một đời dự án khoảng 30 năm. Còn nếu không hỗ trợ thì đời dự án có thể sẽ kéo dài hơn”, ông Sanh nói.

 

Chỉ đạo VEC, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tổng công ty phải tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào tháng 6/2012, đảm bảo giao thông thông suốt...

 

“Chúng tôi rất quyết tâm, đề nghị Chính phủ là nếu lãi suất cao cũng cho phát hành (trái phiếu công trình - PV), để đưa dự án vào khai thác càng sớm càng tốt. Vì nếu càng đưa chậm thì thu phí chậm, vốn đưa vào trước cũng bị giam lại, phải trả lãi. Thế thì thà cố đưa vào sớm thì có thể thu phí được”, Chủ tịch Sanh trần tình.

 

Theo Anh Quân

VnEconomy