1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bỏ tiền tỷ vào gừng mà không bán được: Tỉnh sẽ giúp tìm kiếm thị trường tiêu thụ

(Dân trí) - Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, xác minh việc nhiều hộ nông dân ký hợp đồng trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Sau cả năm trời đổ bao vốn liếng, công sức vào trồng gừng và kết quả phải nhận “quả đắng” khi doanh nghiệp liên kết được chính quyền cấp phép mở văn phòng thì “bặt vô âm tín”.

Kết quả kiểm tra, xác minh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa (NN&PTNT) và qua báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh có 12 hộ nông dân tại huyện Yên Định, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn ký hợp đồng trồng gừng trâu với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An (Cty Trường An). Kết quả xác minh khẳng định, thông tin phản ánh của báo điện tử Dân trí và một số đơn vị khác là đúng thực tế.

Nhiều hộ nông dân khốn đốn khi tin vào doanh nghiệp để rồi phải ăn quả đắng
Nhiều hộ nông dân khốn đốn khi tin vào doanh nghiệp để rồi phải ăn "quả đắng"

Cụ thể, thời điểm ký kết hợp đồng tại Yên Định là vào tháng 7/2016, thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung vào tháng 10, 11/2016. Tất cả các hộ sản xuất gừng nêu trên tự chủ động ký hợp đồng trực tiếp với Cty Trường An mà không thông tin đến chính quyền địa phương và ngành NN&PTNT.

Nội dung cơ bản trong hợp đồng được ký kết giữa người nông dân và Cty Trường An là công ty cung ứng toàn bộ giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón sinh học cho các hộ sản xuất từ khi trồng đến khi thu hoạch. Công ty sẽ thu mua gừng khi đến thời điểm thu hoạch theo 2 phương án.

Tuy nhiên, điều khoản hợp đồng quy định, các hộ sản xuất phải thanh toán 100% tiền mua giống và 50% chi phí mua phân bón sinh học và thuốc BVTV cho công ty ngay sau khi nhận đủ giống và phân bón.

Trên thực tế, các hộ dân trồng gừng đã chuyển 100% tiền giống và 50% tiền mua phân bón cho công ty theo cam kết. Đặc biệt, trong hợp đồng có điều khoản nêu: Khi đến ngày thu hoạch công ty không thu mua thì công ty sẽ chịu mất 50% số tiền phân bón và thuốc BVTV mà các hộ còn thiếu.

Trong khi đó, hiện nay, tại các địa phương gừng đã đến kỳ thu hoạch, các hộ gia đình đã nhiều lần liên lạc với công ty theo số điện thoại được đăng ký trước đó nhưng không được.

Theo Sở NN&PTNT, việc sản xuất gừng là do các hộ dân tự ký kết hợp đồng với Cty Trường An; Sở NN&PTNT, UBND các huyện không khuyến cáo và không có chủ trương chỉ đạo. Sở NN&PTNT đã kiểm tra và nắm bắt tình hình và có văn bản về tình hình liên kết thu mua gừng tại các địa phương.

Đồng thời, Sở NN&PTNT Thanh Hóa tiếp tục cử tổ công tác phối hợp với UBND các huyện, thị xã nắm bắt tình hình, khuyến cáo các hộ dân không tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị không được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương giới thiệu; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các hộ dân tiếp tục chăm sóc, thu hoạch, bảo quản gừng và hỗ trợ, liên hệ tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Người nông dân phải tiếp tục chăm sóc gừng thêm một chu kỳ nữa
Người nông dân phải tiếp tục chăm sóc gừng thêm một chu kỳ nữa

Ngành nông nghiệp cũng tuyên truyền về tình hình hoạt động của Cty Trường An để nhân dân cảnh giác không mắc phải các sai lầm tương tự.

Từ thực tế nêu trên, Sở NN&PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng bảo vệ pháp luật, UBND các huyện, thị nêu trên vào cuộc yêu cầu Cty Trường An đến làm việc và thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Về phía UBND thị xã Bỉm Sơn phải kiểm tra, làm rõ và có báo cáo UBND tỉnh việc cấp phép mở Văn phòng đại diện của Cty Trường An tại địa phương này.

Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ dân đặc biệt là thận trọng trong việc đưa các cây trồng mới vào sản xuất khi chưa có sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước...

Duy Tuyên