1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Kế hoạch chỉ rõ nhiều yếu kém của Khu công nghiệp và công nghệ cao

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo hoạt động của các mô hình khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC) tại Việt Nam, trong đó chỉ ra nhiều bất cập như phát triển thiếu quy hoạch, không quan tâm đến môi trường và chưa có hướng đi riêng tạo đột phá chiến lược.

Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, hiện cả nước có trên 325 KCN được thành lập, tổng diện tích gần 95.000 ha, trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động và 105 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng.

Các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao được Bộ KH&ĐT chỉ rõ nhiều yếu kém, hạn chế (ảnh KCN cao TP.HCM)
Các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao được Bộ KH&ĐT chỉ rõ nhiều yếu kém, hạn chế (ảnh KCN cao TP.HCM)

Quy hoạch khu công nghiệp nặng tính "cục bộ"

Lợi thế của các KCN là đã phát huy được thế mạnh về kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào KCN chiếm khoảng từ 60 - 70% tổng vốn đầu tư FDI thu hút được của cả nước.

Đến năm 2016, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 31.800 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 51%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ này đạt 73%.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ rõ: Các KCN hiện chủ yếu phát triển theo mô hình KCN đa ngành, chú ý nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê của KCN nhưng chưa quan tâm đến các vấn đề về môi trường, xã hội nảy sinh.

Về chất lượng, Bộ KH&ĐT cho biết, quy hoạch và chất lượng quy hoạch các KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành và lợi thế, tiềm năng của địa phương, của vùng.

"Việc triển khai Quy hoạch KCN đã được duyệt của các địa phương còn hạn chế, chưa căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế. Nguyên nhân này xuất phát từ tư duy quy hoạch mang tính cục bộ, địa phương, chú trọng lợi ích của địa phương, chưa tính toán tới lợi ích của vùng, quốc gia", Bộ KH&&ĐT nêu rõ.

Khu công nghệ cao chưa có hướng đi riêng

Về quy hoạch và thành lập các khu công nghệ cao (KCNC), theo Bộ KH&ĐT, cả nước hiện có ba KCNC lớn là: KCNC Hòa Lạc - Hà Nội; KCNC Đà Nẵng và KCNC TP. HCM. Các KCNC đều đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng trên 43.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT khẳng định, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật của các KCNC chưa hoàn thiện và ưu đãi đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng chưa thực sự hấp dẫn, khiến bộc lộ hạn chế lớn cho mô hình.

"Các KCNC chưa tìm được hướng đi riêng, chưa có sự phối hợp trong xác định những lĩnh vực phát triển chiến lược nên mối liên kết, hợp tác giữa các KCNC chưa được phát huy", báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ.

Về thực trạng phát triển, hiện Ban quản lý KCNC Hòa Lạc trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; trong khi đó Ban quản lý KCNC TP.HCM và Đà Nẵng trực thuộc các tỉnh trên. Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định, sự hỗ trợ của trung ương cho đầu tư, xây dựng các KCNC chưa thống nhất. Bên cạnh đó, do phải phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương nên các KCNC Đà Nẵng và TP.HCM có nhiều khó khăn về tài chính và nhân lực để phát triển.

Nguyễn Tuyền