1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Bầu Đức bỏ nhà đất, bán thủy điện, dồn sức trồng trọt

(Dân trí) - Với nợ vay tương ứng 115,3% vốn chủ sở hữu, HAG quyết định mạnh tay tái cấu trúc, bán 6 dự án thủy điện, thu hẹp ngành quặng sắt, gỗ, đá; tách các công ty con/dự án căn hộ tại Việt Nam ra khỏi Tập đoàn và chỉ giữ lại các dự án Myanmar.

Mía đường, cao su, cọ dầu... đang mang lại những dòng tiền mới cho bầu Đức.
Mía đường, cao su, cọ dầu... đang mang lại những dòng tiền mới cho bầu Đức.

Dứt bỏ thị trường bất động sản trong nước

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 19/8 với việc thống nhất thông qua đơn từ nhiệm của ông Lê Hùng - Thành viên Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Văn Tốn - Trưởng Ban kiểm soát. Hội đồng quản trị HAG sẽ trình Đại hội cổ đông xem xét thông qua trong phiên họp gần nhất theo quy định hiện hành.

Hồi tháng giữa tháng 1 năm nay, ông Lê Hùng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) thay cho ông Đoàn Nguyên Đức.

Hoạt động đầu tư của HAGL Land hiện tại đang được đẩy mạnh sang thị trường Myanma. Ông Lê Hùng được HĐQT Hoàng Anh Gia Lai giao trực tiếp phụ trách dự án Khu phức hợp tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ “Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam Myanmar Center”. Đây được coi là dự án có tiềm năng sinh lợi rất lớn và có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với HAGL Land.

Trong tiến trình tái cơ cấu tập đoàn thời gian trước mắt, Hoàng Anh Gia Lai đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, công ty có cơ hội khai thác thị trường Myanmar vì tiềm năng tốt và lượng cung đang thiếu hụt so với nhu cầu.

Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ tách các công ty con/dự án căn hộ tại Việt Nam ra khỏi Tập đoàn, HAGL Land chỉ giữ lại dự án Myanmar đóng vai trò chủ lực, dự án Hoàng Anh Bangkok và một số dự án tại Việt Nam thuộc sở hữu trực tiếp bởi công ty.

Vớ bẫm từ bán thủy điện, dồn lực sang trồng trọt

Ngoài ra, theo thông tin được HAG đưa ra tại cuộc họp ngày 19/8, kết thúc 6 tháng đầu năm, tập đoàn có doanh thu 1.414 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng.

Nợ vay tại ngày 30/6 ở mức 14.595 tỷ đồng bằng 115,3% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu đạt 12.658 tỷ đồng). Theo dự kiến của HAG, sau khi tái cấu trúc, với việc tách công ty con ngành bất động sản (đang có dư nợ 1.882 tỷ đồng) và ngành gỗ đá (đang có dư nợ 374 tỷ đồng) thì tổng số nợ vay toàn tập đoàn sẽ giảm xuống còn 12.339 tỷ đồng, bằng 97,5% vốn chủ sở hữu.

Tính đến tháng 8/2013, HAG đã trồng xong 48.000ha cao su, cọ dầu trong đó có 4.000 ha cọ dầu trồng thử nghiệm và đạt kết quả khả quan. Diện tích khai thác mủ khoảng 7.000ha và công ty đang chuẩn bị xây thêm nhà máy chế biến mủ tại Gia Lai. Ngoài ra, HAG cho biết đã trồng được 10.000 ha mía đường.

Đồng thời, tập đoàn cũng đã bán xong 6 dự án thủy điện tại Việt Nam bao gồm 4 dự án đã vận hành (Bá Thước 2, Đắk Srông 2A và Đắk Srông 3B) và 2 dự án đang xây dựng là Bá Thước 1 và Đắc Srông 3A. Việc bán các dự án thủy điện này giúp giảm nợ vay 1.876 tỷ đồng và mang lại doanh thu 2.099 tỷ đồng cho HAG. Trong khi đó, dự án Nậm Kông 2 tại Lào đang xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014.

Ngành khai thác, chế biến quặng sắt, ngành gỗ, đá cũng đang được HAG thu hẹp dần quy mô hoạt động. Riêng ngành khai thác và chế biến quặng sắt đang tìm đối tác để bán lại các dự án.

Mai Chi