1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất động sản: Thời của thua lỗ, nợ nần và... bán tháo?

(Dân trí) - Do áp lực thanh toán khoản vay đến hạn 100 tỷ đồng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, PVL chấp nhận hạ 35% giá căn hộ Petro Vietnam Landmark và dự kiến lỗ khoảng 70 tỷ đồng sau khi bán được hết số căn hộ với giá công bố giảm.

Thực tế, trước khi quyết định đến việc phải bán tháo dự án PetroVietnam Landmark để trả nợ, trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Địa ốc dầu khí (mã PVL) cũng đã báo lỗ 4,4 tỷ đồng cho quý III, kéo mức lợi nhuận sau 9 tháng năm 2011 xuống còn 7,5 tỷ đồng.
 
Bất động sản: Thời của thua lỗ, nợ nần và... bán tháo? - 1
  
Không chỉ có Địa ốc Dầu khí, hàng loạt các doanh nghiệp BĐS cũng báo lỗ trong quý III với những vấn đề tương tự. Điển hình như công ty mẹ của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC), kết quả 9 tháng đầu năm 2011 cho thấy, mức lỗ đột biến lên đến 119 tỷ đồng.

Cùng trong tình cảnh chi phí lãi vay tăng cao, quý III công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) thông báo mức lỗ 5,8 tỷ đồng. Lợi nhuận tính đến hết tháng 9/2011 ước đạt 34,6 tỷ đồng, giảm 80% so với năm 2010.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết, lãi vay ngân hàng và chi phí đầu vào tăng cao, trong khi thu nhập khác không như cùng kỳ năm trước, dẫn tới lợi nhuận quý III âm, kể cả khi doanh nghiệp tiết giảm đáng kể các loại chi phí.

Bên cạnh đó, Sudico (mã SJS) cũng báo lỗ 9,2 tỷ đồng, còn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 548 (mã NTB) báo lỗ 6,3 tỷ đồng trong quý III/2011…

Trên thị trường, giá của hàng loạt các dự án, đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM cũng liên tục giảm mạnh kể từ đầu năm đến nay với mức phổ biến từ 20-30%.

Thậm chí, không ít dự án mặc dù giá đã giảm nhưng cũng không bán được nhiều trong khi ngân hàng lại thắt chặt tín dụng khiến chủ đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhận định về tình hình trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế hiện nay nhiều ngân hàng đã và đang ráo riết đòi nợ các doanh nghiệp và sức ép này sẽ tăng mạnh từ giờ đến cuối năm.

Chính bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, bài toán kinh tế sẽ khiến chủ đầu tư buộc phải có sự lựa chọn khôn ngoan: Chịu lãi suất cao thậm chí chấp nhận chịu phạt nếu quá hạn vay hay chấp nhận lỗ để bán tháo dự án lấy tiền trả nợ?

Chính vì vậy, có cơ sở để tin rằng sẽ có thể có những dự án được bán tháo trong thời gian tới.

 Chỉ sau 3 ngày chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark phát đi thông báo giảm giá “sốc” thì chiều 31/10, lãnh đạo Công ty Sài Gòn Mekong đã chính thức thừa nhận với báo chí giảm giá 500 căn hộ dự án từ 18 triệu đồng/m2 xuống còn 14,5 triệu đồng/m2. Đó là dự án chung cư An Tiến do Công ty xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) làm chủ đầu tư và đã bán toàn bộ căn hộ cho hai nhà đầu tư thứ cấp là Ngân hàng BIDV và Công ty Sài Gòn Mekong vào quý IV/2009.

 Trả lời báo chí, lãnh đạo của công ty Sài Gòn Mekong cho rằng mục đích của việc giảm giá là nhằm thu hồi vốn. Tuy nhiên, do thời điểm giảm giá của dự án xảy ra chỉ sau 3 ngày khi dự án PetroVietnam Landmark thông báo tin giá “sốc” với thị trường khiến dư luận cũng đặt nhiều dấu hỏi…!

LH