1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất động sản khó tăng tốc

Phần lớn khách đến tìm hiểu các dự án đất nền, nhà ở tại các sàn giao dịch là người có nhu cầu về nhà ở, còn nhà đầu tư chưa thực sự quay lại thị trường. Theo giới quan sát, giá đất nền tại các dự án hiện nay khá cao khiến nhà đầu tư dè dặt.

Bất động sản khó tăng tốc - 1
Đất nền dự án Bình Trưng, quận 2 - TPHCM.

Hơn nữa, giao dịch trên thị trường bất động sản (BĐS) cũng không nhộn nhịp như dự đoán trước thông tin cầu đường, hạ tầng kết nối, vốn trước đây đã từng là cái cớ để giá đất tăng theo.

Vẫn chuyện dài về thuế...

Từ sau khi áp dụng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS, dòng vốn đầu tư đã đọng lại ở các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các hợp đồng góp vốn hầu như bị ngưng trệ, bởi cả người mua và người bán đều muốn tránh thuế.

Có ý kiến cho rằng trong tình hình hiện nay rất khó yêu cầu người bán có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, do đó việc áp dụng mức thuế suất 25% là khó khả thi. Một số cán bộ thuế cũng cho biết cái khó hiện nay là rất khó để biết được người bán đất ghi giảm giá trị trong hợp đồng để “lách thuế”.

Nhân viên thu thuế ở quận 9 cho biết trong số hơn 100 hồ sơ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn được xác nhận tính thuế tại Chi cục Thuế quận 9, có đến hơn 90% được tính thuế theo mức 2%. Hầu hết các hồ sơ này đều được ghi giá bán bằng hoặc thấp hơn so với giá mua, vì vậy không thể thu 25% trên mức chênh lệch giá trị chuyển nhượng được.

Thực tế cũng cho thấy, dù quy định của Bộ Tài chính cho phép người dân được chọn quyền đóng thuế nhưng người đóng thuế vẫn than phiền bị cán bộ thuế làm khó, thậm chí nhũng nhiễu. Thời gian để được “duyệt” đóng thuế thường kéo dài và lợi dụng tình hình đó đội ngũ “cò thuế” tìm cách để trục lợi.

Được biết, Cục Thuế TPHCM đang xem xét ủy nhiệm cho một số công ty địa ốc, sàn giao dịch BĐS... thu thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng BĐS theo tinh thần Thông tư 02 của Bộ Tài chính.

Như vậy, người dân có thể nộp thuế tại các đơn vị này thay vì phải đến các cơ quan thuế như lâu nay. Nhiều người đang nghe ngóng, chờ đợi sự triển khai cụ thể để có quyết định trong việc đầu tư BĐS. 

Nhà đầu tư vẫn ngại

Bước vào những tháng đầu năm 2010, nhiều chủ đầu tư dự án ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM đã và đang lên kế hoạch tung sản phẩm nhà đất ra bán để đón đầu dòng tiền lớn đang nhàn rỗi trong dân. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng và cho rằng thị trường sẽ bật dậy nhưng theo chiều hướng chậm, chắc.

Một số nhà đầu tư ở TPHCM nhận định thị trường đất ngoại thành TP sẽ vẫn trầm lắng do các lô nền dự án ở TPHCM có mức giá quá cao, muốn đầu tư phải bỏ số vốn rất lớn.

Việc chậm triển khai các hạng mục hạ tầng tại các dự án nhà ở cũng là một yếu tố khiến các nhà đầu tư thứ cấp e ngại. Nhiều dự án được mua đi bán lại trong nhiều năm qua nhưng diện mạo dự án lại chẳng thay đổi khiến cho sức thu hút giảm đi rất nhiều.

“Các nhà đầu tư BĐS Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức, đó là không còn tìm kiếm lợi nhuận siêu ngạch từ BĐS như trước đây. Họ cũng nhận thấy đầu tư vào BĐS rất dễ gặp phải rủi ro nếu chọn sai phân khúc thị trường sẽ bị chôn vốn nên họ bắt đầu coi trọng việc nghiên cứu thị trường” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nhận xét.

Theo Nguyễn Phúc
Báo Người lao động