1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Báo động nợ trong nhiều tập đoàn nhà nước

(Dân trí) - Hầu hết các doanh nghiệp trong khối doanh nghiệp Trung ương do thiếu vốn đầu tư các dự án trọng điểm dẫn tới chậm tiến độ. Trong khi đó, nhiều đơn vị đã lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng như EVN, Vinashin, Petrolimex… chỉ trong 8 tháng đầu năm.

EVN nợ gần 11,7 nghìn tỷ đồng

Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương vừa có dự thảo báo cáo lần thứ 3 tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc khối này.

Theo đó, tăng trưởng cao nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp và dầu khí, trong khi khối doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, xây dựng có mức tăng trưởng thấp nhất.

Đứng đầu danh sách các đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi và nộp ngân sách cao là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Thu nhập của CBCNV và người lao động của PVN đạt mức bình quân 16,2 triệu đồng/người/tháng.

Các doanh nghiệp kinh doanh có lãi khác gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Cà phê, khối các ngân hàng thương mại với mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 15-20%.

Báo động nợ trong nhiều tập đoàn nhà nước - 1

EVN dự kiến lỗ gần 11,7 nghìn tỷ đồng (ảnh minh họa)

Trong tổng số 31 doanh nghiệp thuộc khối này, có 4 đơn vị không có lãi, gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ 11.669 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lỗ 3.092 tỉ đồng, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước lỗ 1.200 tỉ đồng (cả năm 2011) và Tổng Công ty Hàng hải (Vinalines) lỗ khoảng 613 tỉ đồng.

Trong đó, số lỗ lũy kế của EVN tính đến ngày 30/6/2011 đã lên đến 31.565 tỉ đồng, gồm lỗ năm 2010 là 23.647 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 là 7.918 tỉ đồng. Đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính xấu do là chủ nợ của doanh nghiệp khác: Vinalines gánh nợ của Vinashin chuyển sang là 16.000 tỉ đồng, Tập đoàn Sông Đà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến 5.500 tỉ đồng, trong đó chiếm phần lớn là nợ tiền điện và tiền xây lắp từ EVN.

Do khác nhau rất xa về kết quả kinh doanh, thu nhập bình quân mỗi lao động tại các doanh nghiệp cũng chênh lệch rất lớn. Trong khi lao động tại Tập đoàn Dầu khí có thu nhập bình quân 16,2 triệu đồng/tháng; Ngân hàng Công Thương và Ngoại thương từ 15-18 triệu đồng/ tháng… thì con số tương ứng ở Tổng công ty Cà phê là 2,3 triệu đồng. Vinashin là 3,5 triệu đồng, Dệt may 3,7 triệu đồng…

Tràn lan đầu tư ngoài ngành

Theo đánh giá chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong khối doanh nghiệp Trung ương đều gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm, dẫn  tới chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp thấp và thua lỗ, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ do một số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, thực trạng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty diễn ra khá phổ biển. Báo cáo cho hay có 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ đồng.

Trong 6 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trên 1 nghìn tỷ đồng. Đó là: Tập đoàn Dầu khí chiếm vị trí đầu với 6.690 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ. Tập đoàn Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỷ đồng nhưng chiếm tới 19,8% vốn điều lệ. Tập đoàn Điện lực đầu tư ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ…

Lĩnh vực được các doanh nghiệp chuộng rót vốn nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí với 5.636 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 13 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Có 8 đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su hơn 1.500 tỷ đồng…

“Một số doanh nghiệp đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vốn…”, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương lưu ý.

LH