1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bánh vẽ có xương

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đang “tăng kỷ lục”. Người Việt thấy tình hình tài chính cá nhân đang “tốt hơn”. Người Việt Nam lạc quan hơn với TPP. Và tới năm 2050, Việt Nam sẽ lọt vào top 10 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.


Và tới năm 2050, Việt Nam sẽ lọt vào top 10 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới?

Và tới năm 2050, Việt Nam sẽ lọt vào top 10 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới?

Đây là những câu chữ dự báo đầy lạc quan đang tràn ngập báo chí trong suốt 48 giờ qua. Và người vẽ ra những cái bánh thơm phức mùi ảo tưởng này là 2 ngân hàng… nước ngoài.

Cũng lạ, trong khi nông nghiệp đang đau đầu khi vai trò trụ đỡ của nền kinh tế bị lung lay dữ dội trước sức ép mở cửa, trong khi ngành chăn nuôi đang tính chuyện phải hy sinh như thế nào khi mà đùi gà Mỹ, sườn cừu Úc, sữa New Zealand sẽ tràn ngập - thì vẫn có người nói được ra hai chữ niềm tin.

Liệu chúng ta có nên lạc quan với một thứ thậm chí còn không đọc nội dung chi tiết bằng tiếng Việt xem nó là cái gì?

Liệu nó sẽ trở thành một cơ hội - thành một động lực cạnh tranh - thành sức mạnh và nguồn lợi khi mà hầu hết trong số lực lượng tiên phong là các doanh nghiệp còn vô cùng ấm ớ về TPP?

Liệu chúng ta sẽ sống bằng sự hí hửng, với một danh hiệu sau 35 năm nữa khi nguyên do của dự báo lạc quan ấy lại chỉ là từ “làn sóng thương mại thứ 3” mới… chuẩn bị bắt đầu?

Với một hiểu biết kiểu “đeo khẩu trang chống virus máy tính lây bệnh”, có lẽ TPP nay mai sẽ trở thành một “thằng phá phách” thật sự khi từ nguy cơ, chúng ta thật sự trở thành bãi rác của thế giới từ việc dịch chuyển công nghệ đầu độc môi trường từ láng giềng cho đến cuộc đổ bộ của các loại phế thải từ xe cộ, trang thiết bị y tế đến cả dược phẩm và thực phẩm từ khắp nơi trong TPP. Trong khi sức ép cạnh tranh khiến số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản sẽ không dừng ở mức bình quân 70.000-80.000 mỗi năm và điều đó với sự suy giảm thu nhập và mất việc làm của người lao động.

Dự báo là dự báo. Dự báo kinh tế thậm chí còn thua xa tính chính xác so với dự báo thời tiết, trong khi thực tế cho thấy ngay cả dự báo thời tiết cũng xảy ra chuyện báo nắng thì trời lại mưa. Chúng ta nhìn dự báo để nhìn lại mình, chứ không phải để ảo tưởng với những điều huyễn hoặc, hoặc tự sướng theo kiểu “TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì”.

Cẩn trọng trước mọi dự báo lạc quan. Hoài nghi trước những viễn cảnh để biết mình, biết người. Có lẽ chỉ như thế thì cái top 10 của 35 năm nữa mới không phải là top 10 từ dưới lên. Có lẽ chỉ có thế mới là cách thưởng thức một cái bánh vẽ mà không sợ mắc xương.

Theo Đào Tuấn
Lao động

Bánh vẽ có xương - 2