1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bánh mứt kẹo nội lên ngôi, giá bán tăng 30%

(Dân trí) - Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường bánh mứt kẹo Tết tại Hà Nội bắt đầu khởi động. Năm nay, rất nhiều sản phẩm bánh mứt kẹo sản xuất trong nước có mẫu mã, hương vị đa dạng, giá bán tăng 30% so với năm ngoái.

Bánh mứt kẹo nội lên ngôi, giá bán tăng 30% - 1
Bánh mứt kẹo Việt lên ngôi, giá bán tăng 30%
 
Ghi nhận của PV Dân trí trên thị trường bánh kẹo, mứt Tết tại Hà Nội cho thấy, năm nay người tiêu dùng hoàn toàn quay lưng lại với những loại bánh, mứt ngoại không rõ nguồn gốc và có xu hướng chọn mua các sản phẩm có thương hiệu trong nước.

Chị Hà - ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết: “Bây giờ chất lượng hàng hóa nhập nhằng lắm, hàng hóa thật giả đều bán tràn lan trên thị trường nên không biết đâu mà lần cả. Tôi tính rồi, “đắt sắt ra miếng”, mình cứ mua loại ngon, loại tốt, mua hàng Việt Nam có chất lượng cao thì càng yên tâm sử dụng; còn mua loại rẻ, bớt được ít tiền nhưng ăn rồi nhỡ thế nào thì không biết bắt đền ai cả…”.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều hãng sản xuất bánh kẹo trong nước có uy tín đã chủ động nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm và cải tiến khâu phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Năm nay, mứt Tết vẫn mang hương vị truyền thống và có nguồn gốc tự nhiên với những hương vị khác nhau như: mứt sen, mứt quất, mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, mứt lạc, mứt mãng cầu, mứt táo, cà rốt… tạo cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn.

Giá bán các sản phẩm bánh mứt kẹo cũng tăng so với bình thường. Trên phố Hàng Đường, Đồng Xuân và một số tuyến phố cổ chuyên kinh doanh ô mai, bánh, mứt, kẹo… tuy các sạp hàng Tết mới khởi động nhưng các chủ cửa hàng đều thông báo giá bán tăng.

Cụ thể: mứt dừa bán lẻ trên thị trường tăng từ 120.000 (năm ngoái) lên 150.000 đồng/kg; mứt cà rốt từ 130.000 tăng lên 160.000 đồng/kg, mứt sen 110.000 tăng lên 130.000 đồng/kg, mứt lạc bán lẻ giá 80.000 đồng nay tăng lên 100.000 đồng/kg; hạt hướng dương tăng từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/kg; hạt bí sấy tăng từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng/kg; hạt dẻ cười có giá 250.000 đồng/kg tăng lên 270.000 đồng/kg;

Mít sấy khô tăng nhẹ từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg; các loại ô mai hoa quả như: mận, táo, xoài, nho, mơ, trám… đều được bán với giá 72.000 đồng/hộp 700g. Riêng các loại bánh kẹo bán cân có sức mua cao hơn các loại đóng hộp, giá bán tăng từ 70.000 đồng lên 100.000 đồng/kg...

Chị Hòa - chủ một cửa hàng bán bánh mứt kẹo trên phố Sơn Tây cho biết: “Giá bán tăng khoảng 30% so với năm trước vì giá nguyên liệu tăng (đặc biệt là giá đường), nguồn hàng khan hiếm đã đẩy giá bán trên thị trường lên cao.

Chưa hết, năm nay do giá tăng hơn mọi năm nên các đầu mối không dự trữ hàng, trong khi đó công lao động và phí vận chuyển cao hơn nên giá bán lẻ các loại bánh, mứt, kẹo thành phẩm trên thị trường tăng là chuyện dễ hiểu”.

Hiện tại, những hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội như: BigC, Fivi Mart, Hapro Mart… các sản phẩm hàng bánh, mứt, kẹo mang nhãn hiệu Việt Nam chiếm tới 90%. Các giỏ quà Tết bắt đầu xuất hiện trên thị trường, giá bán các sản phẩm trọn gói này cũng tăng tỷ lệ thuận theo từng mặt hàng trong đó.

Theo khảo sát, giá 1 giỏ quà thông thường bao gồm: rượu, trà, thuốc, bánh kẹo, café, mứt sen từ 400.000 - 500.000 đồng (tùy loại); giỏ quà hạng sang có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng. Ngoài ra, các sản phẩm bánh, mứt, kẹo đóng hộp kiểu cách quả đào, tiền vàng được bán trong các siêu thị giá niêm từ 80.000 - 150.000 đồng/hộp (tùy loại).

Nhiều hộ kinh doanh mặt hàng bánh mứt kẹo cho hay: cận Tết Nguyên đán, sức mua càng lớn thì xu hướng giá sẽ tăng cao hơn.

Quỳnh Anh