1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

8 ngân hàng Việt Nam bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm

(Dân trí) - Cả 8 ngân hàng tại Việt Nam từng được Moody’s xếp hạng đều đã bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong ngày 28/9. Quyết định này được Moody’s đưa ra cùng lúc với việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của trái phiếu chính phủ Việt Nam.

8 ngân hàng thương mại cổ phần bị cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế này hạ bậc tín nhiệm bao gồm ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng Công thương (Vietinbank), ngân hàng Quân đội (MB), ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), ngân hàng Sài Gòn – Thương tín (Sacombank), ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và ngân hàng Quốc tế (VIB).

Môi trường hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đang không thuận lợi
Môi trường hoạt động của các ngân hàng Việt Nam đang không thuận lợi

Theo lí giải của Moody’s, việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm này cho thấy sự suy giảm về mức độ tín nhiệm độc lập của 8 ngân hàng này cũng như sự đi xuống trong tín nhiệm nợ của chính phủ Việt Nam. Triển vọng của tất cả các ngân hàng vẫn được đánh giá ổn định.

Hiện mức xếp hạng sức mạnh tài chính (BFSR) của 8 ngân hàng trên đều ở mức E, tương ứng với mức caa1 trên thang xếp hạng dài hạn. Trước đó 8 ngân hàng này đều được xếp hạng E+, tương ứng với mức tín nhiệm dài hạn nằm trong khoảng B1 – B2 tùy từng ngân hàng.

Moody’s khẳng định việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm độc lập cho thấy khả năng các ngân hàng trên cần sự hỗ trợ từ bên ngoài đã tăng lên. Phân tích của Moody’s dựa trên nhiều yếu tố tín nhiệm có quan hệ đan xen.

Trong đó cơ quan này nhận định môi trường hoạt động của 8 ngân hàng này đã suy yếu rõ rệt với đặc trưng là tăng trưởng tín dụng rất yếu và lãi suất cao. Đây là môi trường hoạt động mà Moody cho rằng sẽ gây ra sự suy giảm về chất lượng tài sản. Điều này sẽ gây áp lực đến khả năng sinh lời của các ngân hàng, do vậy sẽ càng làm suy yếu khả năng gánh chịu thua lỗ vốn đã yếu tại các ngân hàng này

Moody’s cũng dẫn lại tuyên bố của ngân hàng Nhà nước rằng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã cao hơn các con số báo cáo và chiếm ít nhất 8,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2012. “Tuy nhiên việc Việt Nam không tuân thủ các chuẩn mực kế toán và quy chuẩn giám sát quốc tế cũng như sự thiếu rõ ràng về tình hình sức khỏe của các ngân hàng tiếp tục khiến mức độ thực sự của vấn đề tiếp tục bị che giấu”, bản báo cáo viết.

Có một chi tiết đáng lưu ý trong bản báo cáo đó là chính do sự thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin của 8 ngân hàng trên đã khiến cơ quan này không thể có những phân biệt rõ ràng về mức độ tín nhiệm. “Do đó, chúng tôi đã đưa ra cùng mức xếp hạng tín nhiệm độc lập cho cả 8 ngân hàng mặc dù các ngân hàng này có kết quả kinh doanh khác nhau”, bản báo cáo viết.

Ông Jean-Francois Tremblay, phó giám đốc điều hành Moody’s khu vực Nam và Đông Nam Á khẳng định: “Các biện pháp được chính phủ Việt Nam triển khai để cải cách hệ thống ngân hàng và tăng tính minh bạch sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực nếu được triển khai một cách đầy đủ.

Tuy nhiên, hiện tại những cải cách vẫn diễn ra chậm chạp và các bước đi tiếp theo không rõ ràng. Giá cổ phiếu các ngân hàng đang sụt mạnh khiên việc tăng vốn là khó xảy ra. Và với mức lợi nhuận trong vài quý tới được dự báo ở mức thấp, các ngân hàng sẽ khó có thể cải thiện tình hình vốn hóa”, ông Tremblay nói.

Vị lãnh đạo của Moody’s đồng thời cho rằng không thể xem nhẹ việc các ngân hàng tiếp tục gặp khó trong việc tăng trưởng dư nợ bởi nọ có thể là dấu hiệu cho những ảnh hưởng tới nền kinh tế.

“Một điều cần xem xét nữa đằng sau việc toàn bộ 8 ngân hàng bị xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức caa1 đó là rủi ro về niềm tin tại một số ngân hàng đã xuất hiện trong bối cảnh nhiều hình phạt nữa có thể được thực hiện đối với lãnh đạo và cổ đông các ngân hàng do những việc làm sai trái trước đấy.

Mặc dù tình hình đã trở lại bình thường nhưng lượng tiền gửi đã giảm đáng kể tại ngân hàng ACB và các tổ chức tín dụng Việt Nam khác trong tháng 8 cho thấy niềm tin của khách hàng đang mong manh”, ông Tremblay nhận định.

Đối với việc đánh giá triển vọng của các ngân hàng trên ở mức ổn định Moody’s khẳng định đã cân nhắc việc chính phủ Việt Nam có đủ khả năng về tài chính để hỗ trợ hệ thống ngân hàng mạc dù việc này có thể ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm nợ của chính phủ.

Trong ngày 28/9, Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chính phủ từ B2 xuống B1 do những điểm yếu trong hệ thống ngân hàng và triển vọng tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn đã giảm xuống.

Thanh Tùng
Theo Moody’s