1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

5 nhiệm vụ chính của ông Vương Đình Huệ

Ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 160-QĐ/TW về việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Quyết định số 161-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương

Quyết định số 160-QĐ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ chức năng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương gồm 8 đơn vị, trong đó có 6 vụ chức năng, được giao thực hiện 5 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế-xã hội của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan về các đề án, dự án kinh tế -xã hội lớn.

Thứ hai, thẩm định các đề án về kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định,..của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế-xã hội.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ tư, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan kinh tế-xã hội theo phân công, phân cấp.

Thứ năm, thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Tránh chồng chéo

Quyết định của Bộ Chính trị cũng quy định mối quan hệ công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, là quan hệ phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất; thẩm định đề án; triển khai thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội và để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương có quan hệ phối hợp trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội của Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương có quyền yêu cầu các ban cán sự đảng bộ, ngành ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước có liên quan trong khối kinh tế-xã hội báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Bộ Chính trị cũng ban hành các Quyết định số 656-QĐNS/TW về việc phân công ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông Vương Đình Huệ (56 tuổi), quê quán huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế, giữ vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006; hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong Thông báo Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, họp từ ngày 1-15/10/2012, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định thành lập Ban Kinh tế Trung ương theo đề nghị của Bộ Chính trị.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có quyền cử cán bộ, chuyên viên nghiên cứu của Ban tham dự các cuộc họp để bàn triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; chủ trương công tác của các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt thuộc phạm vi được phân công về lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Tám cơ quan tham mưu

Với việc lập Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương, tổ chức bộ máy tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm 8 cơ quan: Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo Tiền Phong