1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

4 lý do khiến lãi suất USD trong nước khó giảm

Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt mạnh lãi suất cơ bản, nhưng lãi suất USD trong nước khó giảm theo.

Ngày 18/9, FED quyết định giảm 0,5% lãi suất cơ bản đồng USD, từ mức 5,25% xuống mức 4,75%. Tác động của quyết định này đối với lãi suất trên thị trường thế giới đang thể hiện rõ, nhưng lãi suất USD trong nước ta vẫn còn nằm trong những dự báo.

Cuối tuần qua, lãi suất SIBOR trên thị trường Singapore đã giảm xuống còn 4,91% kỳ hạn 12 tháng, từ mức 5,12% trước đó; lãi suất LIBOR trên thị trường London (Anh) kỳ hạn 12 tháng cũng giảm từ 5,13% xuống còn 4,85%.

Trong nước, theo dự báo của ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) TPHCM, “có thể trong vòng 10-15 ngày tới các ngân hàng cổ phần sẽ giảm trước vì lãi suất của họ đang ở mức cao hơn các ngân hàng quốc doanh”.

Theo nhận định của ông Thanh, việc FED giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất USD ở trong nước nhưng sẽ không xảy ra ngay mà sẽ theo từng bước, do các ngân hàng còn phải cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, một số chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng khối cổ phần đều có chung nhận định: lãi suất huy động USD sẽ khó giảm từ nay đến cuối năm. Nhận định này căn cứ chủ yếu trên 4 lý do sau.

Trước hết, một số ngân hàng cổ phần lớn như Sacombank, Eximbank, Techcombank, VIB Bank… vừa tăng lãi suất huy động USD, nằm trong định hướng huy động vốn ngoại tệ từ nay đến cuối năm và khó có thể “quay đầu” đột ngột. Mặt khác, trước khi điều chỉnh tăng, những ngân hàng này cũng đã tính đến khả năng FED cắt giảm lãi suất.

Thứ hai, từ tháng 8 đến nay, một loạt ngân hàng nội và ngoại, quốc doanh và cổ phần đã đưa ra chương trình phát hành kỳ phiếu USD với lãi suất cao để gọi vốn trong ngắn hạn. Đỉnh điểm của những đợt phát hành này là mức lãi suất lên tới 5,55% ở kỳ hạn 11 tháng của Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank).

Những đợt phát hành kỳ phiếu này trước hết cho thấy cầu vốn của ngân hàng khá căng thẳng khi tốc độ huy động ngoại tệ 8 tháng trước đó tăng chậm, dù lãi suất đã tăng cao.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, sau những đợt phát hành đó, tốc độ huy động đã có dấu hiệu tăng lên, một nguyên nhân không thể phủ nhận là do các kỳ phiếu có lãi suất cao hơn.

Thứ ba, điểm mà lãnh đạo một số ngân hàng cổ phần lớn lo ngại là những ngân hàng mới sẽ vẫn cạnh tranh mạnh ở lãi suất huy động. “Họ sẽ không giảm khi muốn giữ cơ cấu vốn huy động với những con số “đẹp”, muốn kéo khách hàng về phía mình”, lãnh đạo một ngân hàng nói.

Ngoài ra, trước “làn sóng” mở rộng mạng lưới, áp lực mục tiêu huy động ở những địa bàn, đơn vị mới mở rất lớn; ngoài uy tín và thương hiệu, lãi suất là một công cụ để giảm thiểu áp lực đó, tạo lực hút thuận lợi hơn.

Thứ tư là cầu ngoại tệ vẫn lớn. Dù khả năng một số ngân hàng sẽ rút vốn gửi ở nước ngoài về vì lãi suất đã giảm, nhưng nguồn cung này khó được “hàng tỷ USD” như một số dự báo, vì trong suốt thời gian qua, lãi suất ngoại tệ trong nước đã cao và rút ngắn chênh lệch có thể sinh lãi với lãi suất bên ngoài.

Trong cung ngoại tệ, có thể đề cập đến nguồn kiều hối chuẩn bị vào mùa. Một chuyên gia thuộc chương trình nghiên cứu tài chính của Mỹ tại Việt Nam cho rằng những năm gần đây không thấy tác động rõ rệt của nguồn cung này đến áp lực giảm lãi suất.

Chuyên gia này cũng đề cập đến một cơ sở khác đáng chú ý để bảo vệ dự báo của mình về khả năng lãi suất USD trong nước khó giảm từ nay đến cuối năm, rằng “đời sống” của thị trường trong nước, lãi suất trong nước khá độc lập và chưa liên thông hoàn toàn với lãi suất trên thị trường quốc tế.

FED cắt giảm lãi suất vì nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Những nguyên nhân đó không căng thẳng ở Việt Nam. Lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam cũng đang đứng trước bối cảnh khác.

Theo Hoàng Đạt
VnEconomy