1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

3 chuyện ít người biết về mạng di động đầu tiên tại Việt Nam

Khi thành lập, MobiFone chỉ có 1 người và lúc đó chẳng mấy ai nghĩ tới việc mạng di động này sẽ trở thành một “mỏ vàng” trong tương lai.

Lập mạng di động với… 1 người

 

Năm 1993, khi Tổng cục Bưu điện quyết định xây dựng một dự án thông tin di động mới, ông Đặng Văn Thân - Tổng cục trưởng gọi ông Đinh Văn Phước - lúc đó là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện vào và giao nhiệm vụ. Thời điểm đó, công nghệ thông tin di động phổ biến trên thế giới là analog nhưng lãnh đạo của Tổng cục Bưu điện quyết định chọn công nghệ số GSM để tiến thẳng tới các nhu cầu của tương lai.

 

Tuy nhiên, không giống như hình ảnh hoành tráng của MobiFone hiện nay, lúc đó, dự án thông tin di động GSM mà ông Đinh Văn Phước được chọn làm người đứng đầu chỉ là một trong số những kế hoạch về di động mới và mang tính mạo hiểm cao, không phải ai cũng thích. Lúc đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, dự án này rồi cũng chết yểu mà thôi vì thử nghiệm công nghệ chưa được phổ biến và nguồn lực ban đầu khi thành lập công ty Thông Tin Di Động chỉ có… 1 người là Giám đốc công ty. Bên cạnh đó, ra đời trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nghèo, dịch vụ cung cấp lại quá đắt đỏ nên không ít người tin MobiFone có thể thành công cũng là điều dễ hiểu.

 

Năm ấy, ông Đinh Văn Phước, nguyên Giám đốc MobiFone được chọn làm người phát triển dự án bởi được đào tạo bài bản về kỹ thuật và có phong cách làm việc rất quyết liệt. Còn ông Phước thì nói vui: “Tôi được chọn chắc bởi làm dự án này cần nhiều sức lực và quyết tâm cao, mà tôi thì khỏe, chưa phải đến bệnh viện lần nào nên được lọt vào vòng chung kết”. Khi được lãnh đạo hỏi về khả năng thành công của dự án, ông Phước nói: “Các anh đã tin em thì em nghĩ mình làm được”. Rồi sau đó, bộ khung ban đầu được người sáng lập MobiFone lựa chọn gồm 7 thành viên…

 

Ông Đinh Văn Phước – Nguyên Tổng Giám đốc công ty Thông tin Di động
Ông Đinh Văn Phước – Nguyên Tổng Giám đốc công ty Thông tin Di động

 

Công ty độc quyền làm chuyện ngược đời

 

Trở thành nhà cung cấp thông tin di động đầu tiên ở Việt Nam, MobiFone sau đó cũng là công ty độc quyền về dịch vụ này. Cũng vì thế, khi ông Đinh Văn Phước quyết định thành lập Phòng chăm sóc khách hàng ngay từ những ngày mới hoạt động, nhiều người rất ngạc nhiên.

 

Nếu bây giờ, ai cũng ý thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc khách hàng thì 20 năm trước khi mà dịch vụ viễn thông còn độc quyền tuyệt đối, trình độ phát triển của ngành dịch vụ nói chung ở Việt Nam còn rất kém thì đây là một ý tưởng lạ đời. Người sáng lập MobiFone chia sẻ: “Tôi nghĩ rất đơn giản, người ta phải bỏ ra một đống tiền mua máy di động, còn phải trả thêm rất nhiều tiền để sử dụng dịch vụ mà không được quan tâm, chăm sóc thì không ổn tí nào. Mình cứ nghĩ từ bản thân mà ra thôi: Nếu mất nhiều tiền mà được phục vụ không tốt thì sẽ bực lắm. Làm cho người ta vui vẻ, thoải mái sẽ kinh doanh được lâu dài và bền vững”.

 

Chưa hết, ngoài việc thành lập Phòng Chăm sóc khách hàng, ông Phước cùng các cộng sự của mình tại MobiFone còn xây dựng 8 cam kết mà vào thời điểm đó, nhiều người đọc cũng… hết hồn. Một trong số những cam kết rất nổi tiếng của mạng di động này là: “Đích thân xin lỗi khách hàng khi khách hàng không hài lòng với dịch vụ của chúng ta, cho dù chúng ta có lỗi hay không”.

 

Ông Đinh Văn Phước – Nguyên Tổng Giám đốc công ty Thông tin Di động
Ông Đinh Văn Phước chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu thành lập công ty Thông tin di động với phóng viên

 

Phía sau vụ hợp tác thành công với Comvik

 

Năm 1995, hai năm kể từ ngày thành lập, MobiFone ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển). Nếu nhìn vào cả một quá trình 10 năm hợp tác giữa 2 bên, người bên ngoài chỉ thấy đây là một vụ kết hợp quá thuận lợi và thành công cho cả 2 phía. Thế nhưng, đây là một thương vụ BCC hiếm hoi trong lĩnh vực viễn thông có được thành công mỹ mãn và trở thành biểu tượng kinh điển khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nhạy cảm.

 

Lễ ký kết hợp tác giữa VNPT/VMS- MobiFone với tập đoàn Comvik
Lễ ký kết hợp tác giữa VNPT/VMS- MobiFone với tập đoàn Comvik

 

Trên thực tế, khung pháp lý cho BCC chứa đựng rất nhiều vấn đề dễ gây mâu thuẫn và bất ổn (BCC là một hình thức đầu tư được ký giữa các bên nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, sản phẩm mà không thành lập pháp nhân). Gần 20 năm trước, khi nhà đầu tư nước ngoài phải bỏ tới hàng trăm triệu USD vào một dự án tại Việt Nam với tính pháp lý lỏng lẻo, ở một lĩnh vực nhạy cảm mà việc hợp tác diễn ra trong 10 năm không gặp rắc rối, kinh doanh thuận lợi từ đầu cho tới khi kết thúc là điều không dễ gặp.

 

Trong quá trình kinh doanh với mô hình BCC, dù hợp tác vẫn tiến triển thuận lợi, không ít lần, đối tác nước ngoài bày tỏ sự lo lắng về tính pháp lý của dự án. Trả lời những băn khoăn đó, ông Đinh Văn Phước chia sẻ: “Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và mới mở cửa cho đầu tư nước ngoài nên hệ thống pháp lý còn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, với lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông di động thì quy định còn khiếm khuyết là dễ hiểu, nhưng Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi dần. Điều quan trọng là chúng tôi mong muốn và đón chào các nhà đầu tư như Comvik tới đây cùng hợp tác kinh doanh, mong muốn điều tốt đẹp cho cả 2 bên. Chúng tôi chắc chắn không để những vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng tới hợp tác với Comvik bởi dự án này sẽ là một minh chứng cho môi trường đầu tư tại Việt Nam và sự nghiệp của chúng tôi cũng ở đây”.

 

Cho tới khi BCC với Comvik kết thúc (10 năm hợp tác), khung pháp lý cho mô hình này cũng chưa có nhiều cải thiện nhưng mối quan hệ kinh doanh giữa MobiFone và tập đoàn của Thụy Điển không hề bị tác động nhiều bởi những khiếm khuyết mà bên phía nước ngoài từng lo lắng. Niềm tin và mối quan hệ thiện chí hợp tác giữa 2 bên là những nhân tố quan trọng tạo nên một BCC thành công  nhất trong lịch sử viễn thông Việt Nam.

 

H.L