1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

2012: Khó khăn còn nhiều

Năm 2012 được cho là một năm tiếp tục khó khăn đối với môi trường kinh doanh trong nước, khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn rất xấu và những vướng mắc có tính hệ thống trong nước chưa được tháo gỡ.

Yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng, đang được đưa lên hàng đầu.
 
2012: Khó khăn còn nhiều - 1
Tin buồn cho giới kinh doanh là lãi suất khó có thể giảm một khi vấn đề nợ xấu của ngân hàng và thanh khoản chưa được giải quyết.

 

Thế giới bất định

 

Cuộc khủng hoảng nợ công từ các nước thuộc Liên minh châu Âu tiếp tục là quả bom nổ chậm treo trên đầu nền kinh tế thế giới trong khi kinh tế Mỹ tiếp tục trì trệ, kinh tế Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển khác được dự báo sẽ chậm hẳn lại.

 

Bà Christine Lagarde, người đứng đầu quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tổng kết tính nghiêm trọng của tình hình khi phát biểu trong tuần rồi rằng “Kinh tế thế giới đang ở trong trạng thái hiểm nghèo”. Việc kinh tế thế giới có rơi vào một cuộc suy thoái (kép) không, đang phụ thuộc rất nhiều vào việc cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu được xử lý như thế nào.

 

Trong khi đó, những nhà kinh tế có quan điểm bi quan như ông Nouriel Roubini thì cho rằng một cuộc suy thoái ở các nước sử dụng đồng euro chắc chắn sẽ diễn ra. Ông cũng cho rằng nền kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu bứt phá và sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền từ châu Âu, trong khi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc đang lộ rõ những điểm yếu khi giá bất động sản bắt đầu rớt mạnh, tác động tiêu cực đến các nhà phát triển, đầu tư và nguồn thu của chính phủ.

Ở một góc nhìn khác, tiến sĩ kinh tế Trần Vinh Dự cho rằng năm 2012 sẽ đem đến nhiều cơ hội chứ không chỉ thuần tuý là khó khăn. Ông nhận định: “Nếu Chính phủ thực hiện được các cam kết đã đưa ra như cải cách hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, kiềm chế được lạm phát và ổn định tỷ giá tiền đồng, thì chắc chắn các nỗ lực này sẽ được đền đáp. Tôi biết nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài vẫn muốn vào Việt Nam. Cái mà họ muốn thấy là tính ổn định của chính sách và mức độ khả tín của các cam kết từ phía Việt Nam. Riêng năm vừa rồi, theo thống kê chưa đầy đủ của StockPlus, vốn đầu tư vào Việt Nam dưới dạng mua bán sáp nhập lên tới hơn 2,6 tỉ USD, tăng rất mạnh so với năm 2009. Xu hướng này trong năm 2012 còn mạnh mẽ nữa”.

Tại Việt Nam, nhiều nhà kinh tế có chung quan điểm là tình hình kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ xấu hơn năm 2011. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại bị đánh giá là dễ tổn thương nhất trong nhóm năm nền kinh tế đang lên khác tại khu vực Đông Nam Á.

 

Một nghiên cứu mới đây của HSBC về rủi ro lan truyền trong trường hợp xảy ra một cuộc suy thoái kép trên thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam dễ tổn thương vì tình trạng mất cân bằng cán cân thanh toán vãng lai, lạm phát cao, cân đối sổ sách doanh nghiệp yếu trong khi thâm hụt tài khoá cao và hệ thống ngân hàng có nhiều vấn đề.

 

Trong nước: vốn và thị trường tiếp tục khó khăn

 

Kết quả của một loạt những xếp hạng và thăm dò do các tổ chức nghiên cứu kinh tế và thị trường thực hiện gần đây, đều cho thấy niềm tin của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh đang bị giảm sút nghiêm trọng. Khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn, lạm phát cao, cùng nhiều vấn đề cố hữu khác khiến cho môi trường kinh doanh trong năm 2011 trở nên ngột ngạt với giới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà kinh tế Võ Trí Thành miêu tả việc doanh nghiệp bị phá sản trong thời gian qua bằng hình ảnh “xác doanh nghiệp trôi đầy sông Hồng, sông Mekong”.

 

Các nhà kinh tế cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường, trong khi lãi suất chưa có khả năng giảm trong thời gian tới. Việc lãi suất có giảm được hay không, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình hoạt động của các ngân hàng và liệu “làn sóng” tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, được cho là đang diễn ra hiện nay, có giải quyết được cuộc khủng hoảng thanh khoản đang diễn ra giữa các ngân hàng?

 

Lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm do vài nguyên nhân: cung tiền trong năm 2011, ước tính khoảng 10 - 12%, là mức thấp kỷ lục và sẽ không tạo ra sức ép tiền tệ cho 2012. Kinh tế tiếp tục suy giảm nên không tạo nhiều sức ép lên lạm phát, mặc dù chỉ số lạm phát sẽ còn tuỳ thuộc vào việc liệu giá điện có tăng nhiều, lương có tăng và Chính phủ có muốn tung ra gói kích cầu nào không.

 

Ông Lê Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế của công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng lạm phát có thể sẽ xuống nhanh trong vòng vài tháng tới do tăng trưởng tín dụng chậm và tổng cầu trên thị trường đang yếu.

 

Mặc dù vậy, tin buồn cho giới kinh doanh là lãi suất khó có thể giảm một khi vấn đề nợ xấu của ngân hàng và thanh khoản chưa được giải quyết.

 

“Trước nay chúng ta chỉ nói đến nợ xấu giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Nhưng hiện nay, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất cao, và thậm chí mất khả năng chi trả trên thị trường liên ngân hàng”, ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế của chương trình giảng dạy và nghiên cứu kinh tế Fulbright Việt Nam nhật xét.

 

Ông Tự Anh nhìn nhận khó khăn thanh khoản sẽ tiếp tục gia tăng chứ không giảm trong thời gian tới. Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Tuấn cho rằng trong năm 2012, vấn đề nợ xấu của khối ngân hàng sẽ bộc lộ, đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng.

 

Gần đây nhất, ba ngân hàng (thương mại cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Tín Nghĩa) sáp nhập với sự bảo trợ của “đại gia” BIDV nhưng xem ra, động thái này chưa đủ sức thuyết phục thị trường về nỗ lực tái cấu trúc đang diễn ra và sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản của một hệ thống ngân hàng còn nhiều vấn đề.

 

Cuộc sáp nhập ấy trong con mắt của thị trường vẫn chỉ là sự hợp nhất ba ngân hàng yếu kém. BIDV cam kết giúp đảm bảo thanh khoản cho những ngân hàng mới này nhưng về lâu dài, vai trò của BIDV, một ngân hàng mà Nhà nước nắm cổ phần đa số, trong cuộc sáp nhập này lại chưa rõ ràng.

 

Trong khi đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế một cách có hệ thống vẫn chưa được thực hiện. Quan điểm của nhiều nhà kinh tế cho rằng, chừng nào chưa có những chuyển động một cách cơ bản của nền kinh tế, trong đó có việc cải cách hoàn toàn hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thì những khó khăn nội tại của nền kinh tế sẽ tiếp tục tồn tại.

 

Ông Võ Trí Thành cho rằng: “Năm nay là năm của ý chí chính trị, tạo dựng lại mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế”.

 

Theo Lan Anh
SGTT