1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

11 ngân hàng "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Tính đến cuối tháng 6, 11 ngân hàng "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015.

Báo cáo tài chính mà các ngân hàng vừa công bố cho thấy, 11 ngân hàng đang "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2%.

Vietinbank cũng là ngân hàng có con số nợ xấu tăng cao lên 5.366 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2015. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu lại giảm nhẹ xuống 0,91%.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,86% cuối năm 2015 lên 5,3%. Cùng với đó, tổng quy mô nợ xấu tăng thêm 2.711 tỷ đồng, từ 1.575 tỷ đồng lên 4.286 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Sacombank cũng đang phải đối mặt với việc tăng nợ xấu từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%. Tổng nợ xấu 6 tháng đầu năm của ngân hàng này là 5.649 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 3.210 tỷ đồng…


Tính đến cuối tháng 6, 11 ngân hàng ôm hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu (ảnh minh hoạ).

Tính đến cuối tháng 6, 11 ngân hàng "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu (ảnh minh hoạ).

Trong bối cảnh các ngân hàng đang “ôm” hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, khả năng giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm - thời điểm doanh nghiệp cần vốn để sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu tết - là khó khả thi. Dù trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Và dù nợ xấu có đang tăng, lãi dự thu tại các ngân hàng cũng không hề giảm. Theo giới chuyên gia, lãi dự thu tăng cũng là một trong những yếu tố khó cắt giảm lãi suất cho vay. Nởi nhiều ngân hàng đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu, chứ chưa thu được trên thực tế.

6 tháng đầu năm, con số lãi dự thu qua báo cáo tài chính của các ngân hàng lên tới 75.919 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2015. Trong đó, Sacombank có lãi dự thu cao nhất, lên tới 25.814 tỷ đồng; VietinBank là 13.967 tỷ đồng, tương đường 1,8% tài sản sinh lời; SHB là 9.234 tỷ đòng; BIDV là 7.344 tỷ đồng; VPBank là 4.163 tỷ đồng…

Ngoài ra, một yếu tố khác tác động tới lãi suất, đó là chi phí dự phòng tăng mạnh. Điển hình như với VietinBank, chi phí dự phòng lên 3.009 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cuối năm; Sacombank là 731 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chi phí hoạt động cũng tăng lên 2.824 tỷ đồng. Eximbank cũng là ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp 3 lần, lên 661 tỷ đồng, từ mức 166 tỷ đồng cùng kỳ. Chi phí dự phòng của BIDV cũng tăng 30,80% so với cùng kỳ, lên 4.526 tỷ đồng…

Một nguyên nhân được cho sẽ tác động trực tiếp tới quyết định giảm lãi suất của các ngân hàng, đó là tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). 6 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ NIM của các ngân hàng đang ở mức khá thấp do lãi suất cho vay không tăng nhưng lãi suất huy động có tăng nhẹ. Theo đó, một vài ngân hàng như VietinBank là 3%, MB là 3,45%, BIDV là 2,54%, Eximbank là 3,1%...

Do đó, với sự yếu kém trong hệ thống ngân hàng, khả năng giảm lãi suất trong những tháng cuối năm theo thông điệp vừa mới phát đi của Ngân hàng Nhà nước rất khó khả thi!

Hiền Minh