Ước mơ về một trung tâm thương mại cho người Việt

Trung tâm này sẽ là nơi trưng bày, cung cấp tất cả các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam trên khắp Nhật Bản. Các sự kiện văn hoá, triển lãm cũng thường được tổ chức để thu hút khách du lịch, qua đó giới thiệu đất nước, con người Việt Nam…

Trong thời gian sinh sống tại Nhật Bản, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu chợ đầu mối hoa và nông sản Tokyo. Chợ ở đây rất khác chợ Việt Nam, người nông dân, người sản xuất hoa chỉ cần vận chuyển sản phẩm tới chợ, còn việc bán hàng sẽ do những người quản lý chợ phụ trách, những nhà buôn sau đó sẽ đấu giả, tuỳ vào chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường mà quyết định giá thành sản phẩm. Làm như vậy vừa có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, lại vừa giúp người sản xuất nắm được nhu cầu thị trường, qua đó điều chỉnh quy mô sản xuất.

Hiệp hội doanh nghiệp Việt-Nhật dự định sẽ ra mắt vào tháng 2/2013.

Hiệp hội doanh nghiệp Việt-Nhật dự định sẽ ra mắt vào tháng 2/2013.

Ở Nhật Bản và có lẽ là ở trên khắp thế giới đều có những khu phố, khu chợ người Hoa. Ở đó không chỉ nổi tiếng là nơi buôn bán các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, mà còn là nơi tham quan, du lịch văn hoá nổi tiếng. Chính những điều này đã nhen nhóm trong tôi ý tưởng xây dựng một Trung tâm thương mại Việt Nam tại Nhật. Không chỉ mở hướng kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác thị trường Nhật Bản, Trung tâm còn quy tụ những nhân tài Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật có ước mơ lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, và đóng góp cho quê hương đất nước.

Tôi có niềm tin là việc ra đời "Trung tâm thương mại Việt Nam tại Nhật Bản" hoàn toàn khả thi. Giống như bước đi nhỏ để bắc cầu cho một bước đi lớn, tôi cùng một số bạn trẻ đã và đang chung sức thành lập một Hiệp hội doanh nghiệp Việt-Nhật dự định sẽ ra mắt vào tháng 2/2013. Nhưng một câu hỏi đặt ra là làm sao để có hàng Việt Nam chất lượng cao đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản? Và quan trọng hơn nữa là làm sao để những sản phẩm sản xuất ở Việt Nam phù hợp được với thị hiếu, văn hoá của người tiêu dùng Nhật Bản?

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hoa và gốm sứ, tôi đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhiều người Nhật nên hiểu được thị hiếu, thẩm mỹ người tiêu dùng ở đây. Hơn nữa, qua nhiều triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Nhật, hay giúp kết nối những thương gia Nhật Bản với phía Việt Nam, tôi nhận thấy một thực tế rằng, hàng Việt Nam dù đẹp, dù tốt, giá cả cạnh tranh đến đâu, được những thương gia mua về bán tại Nhật, nhưng cuối cùng vẫn không được khách hàng bản địa chấp nhận. Tại sao vậy? Đó là sự khác biệt về văn hoá, thẩm mỹ. Những người sản xuất ở Việt Nam do không có điều kiện ra nước ngoài tìm hiểu, nên những sản phẩm họ làm ra chỉ phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Hiệp hội doanh nghiệp Việt-Nhật được thành lập để giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận được với thị trường Nhật Bản từ đó mở rộng thương hiệu và đầu tư phát triển công nghệ sản xuất tại Việt Nam, cũng như để hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam về kiến thức văn hoá, kinh nghiệm kinh doanh tại Nhật Bản. Sau khi thành lập, Hiệp hội sẽ bắt tay vào những dự án xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ như tranh gốm, hoa gỗ..., hàng nông nghiệp như vải thiều, rau sạch, hoa tươi... hay mở các triển lãm tại Nhật Bản để giới thiệu, điều tra thị trường, từ đó phát triển sản xuất những sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, thị hiếu khách hàng Nhật Bản. Đối với những sản phẩm nông nghiệp, đòi hỏi thời gian và công nghệ sản xuất, các bạn trẻ dưới sự tư vấn của những kỹ sư nông nghiệp Nhật Bản, sẽ thử nghiệm trồng các sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn Nhật tại Việt Nam. Những sản phẩm này vừa có thể đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa có thể xuất khẩu khi có điều kiện.

Có lẽ, những dự án của chúng tôi mới đang ở bước đầu và còn rất nhiều khó khăn phía trước. Nhưng với ý chí, hoài bão của tôi và những bạn trẻ Việt Nam sống ở Nhật Bản, tôi tin rằng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong một tương lai gần sẽ có mặt tại Nhật Bản và những thành viên làng nghề, những người nông dân Việt Nam sẽ có thu nhập cũng như có cuộc sống ổn định.

Theo Ngô Hùng Lâm
TG&VN