Trí thức Việt kiều mong muốn được tham gia việc nước

(Dân trí) - 28.9 với nhiều trình bày tâm huyết của những kiều bào xa xứ đối với việc nước. Vẫn đọng lại những ý kiến của các trí thức Việt kiều mong muốn tham gia sâu hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước.

Chưa tận dụng hết nguồn lực

Việt kiều mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước.


Việt kiều mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Trong năm 2011, lượng kiều hối hơn 9 tỉ đôla Mỹ và khoảng 300.000 lượt về thăm quê, làm ăn của kiều bào trên khắp thế giới đã đóng góp một phần to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nguồn lực của những người Việt Nam trên thế giới không chỉ có tiền và những doanh nghiệp đầu tư trong nước. Nguồn lực quý báu hơn cả vẫn là trình độ làm việc, kinh nghiệm quản lý và tấm lòng chung tay xây dựng quốc gia.

Trở về từ nước Pháp, Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết: “Hiện có khoảng hơn 300.000 người Việt sống tại Pháp, đông thứ hai trên thế giới. Đây là nơi có tỉ lệ chuyên gia trí thức cao, trong nhiều ngành mũi nhọn của Pháp như y học, giáo dục, năng lượng nguyên tử, thiên văn, kinh tế. Đồng thời, có khoảng 6.500 sinh viên, lưu học sinh, trong đó nhiều người đã tốt nghiệp và đang tiếp tục làm việc, nghiên cứu, đảm nhận các vị trí, trọng trách trong bộ máy khoa học của Pháp”.

Đứng trước nguồn lực như vậy, nhưng theo ông Dũng, vẫn còn nhiều hạn chế khiến chưa thu hút được trí thức kiều bào trở về nước làm việc. Quan trọng nhất vẫn là sự chưa hoàn thiện của khung chính sách về vấn đề kiều bào của nhiều cơ quan thực thi chính sách. “Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nên để những người đã từng làm việc trên 10 năm tại hải ngoại được tham gia vào công việc quản lý ở những lĩnh vực như kinh tế, quản lý - ông Khoa Nguyễn - Chủ tịch Hội DN ASEAN - New Zealand - nói - nếu người có kinh nghiệm, tri thức đầu tư Cty thì họ chỉ giúp được vài chục người, nhưng nếu được tham gia hoạch định chính sách thì sẽ giúp được nhiều hơn cho đất nước”.

Trở về nước để tham gia công cuộc xây dựng đất nước gần như là ý nguyện của tất cả kiều bào trên thế giới. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn sự ngại ngần bởi chính sách, biện pháp thu hút nhiều khi còn chưa thoả đáng.

“Ta đã phát huy được tiềm lực chất xám của trí thức ngoài và trong nước đến mức nào? - TS Trần Hà Anh - Câu lạc bộ KHKT người Việt Nam ở nước ngoài - băn khoăn - Tại sao đề án về “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” chuẩn bị từ nhiều năm mà đến nay vẫn chưa ban hành được?”

Kêu gọi kiều bào gửi tiền về xây dựng đất nước, đầu tư vào nền kinh tế là cách làm trước mắt, nhưng cách làm này sẽ không thể nào tận dụng được hết sức mạnh của nguồn lực này nếu các trí thức hải ngoại không thật sự được tham gia vào những biến chuyển quan trọng của đất nước.

“Phải tiến tới nghiên cứu và mạnh dạn bổ nhiệm chuyên gia, trí thức kiều bào có năng lực vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực mà trong nước còn ít kinh nghiệm...” - Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Quyết tâm bảo vệ biển đảo

Quân đội đã chuẩn bị mọi phương án để bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) - khẳng khái nói trước bà con kiều bào. Nhiều tràng vỗ tay liên tục trỗi lên trong phần trình bày của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, trong phần báo cáo của người đại diện quân đội về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Bảo vệ chủ quyền quốc gia là vấn đề được bà con kiều bào quan tâm sâu sắc trong những năm qua.

“Chúng tôi luôn mong muốn chính phủ một điều rằng chúng tôi - những người Việt sống xa quê - sẵn sàng đóng góp hết sức mình trong trường hợp đất nước cần” - một trí thức Việt kiều từ Mỹ về dự hội nghị cho biết.
 
Theo Trung Bảo