Tiếng dương cầm qua khung cửa sổ

Một trong những may mắn của Mai Charissa là học đàn dương cầm không phải bằng trí tưởng tượng, giống như mẹ cô trước đây. Song điều đó không có nghĩa là mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn với cô gái 19 tuổi này…

Tiếng dương cầm qua khung cửa sổ - 1

Mai Charissa biểu diễn những tác phẩm của Beethoven, Elgar và Chopin tối 12/9 tại L’Espace.

Chào Mai Charissa, bạn có thể nói tiếng Việt chứ?

Tôi hiểu tiếng Việt chút chút thôi. Thật xấu hổ khi thú nhận rằng tôi không nói được tiếng Việt nhiều. Tôi không có nhiều dịp để thực hành nói tiếng Việt. Mỗi lần về Việt Nam, tôi mới có dịp nói tiếng Việt một chút…

Lần này trở lại Việt Nam, bạn mang theo món quà gì?

Lần này về Việt Nam, tôi sẽ chơi một số bản nhạc nổi tiếng của Beethoven và Chopin. Công chúng Việt Nam hẳn ai cũng biết đến những nhà soạn nhạc lừng danh này. Ngoài ra, tôi cũng sẽ chia sẻ với khán giả một tác phẩm ngắn mà nhà soạn nhạc cổ điển người Anh Edgar đã viết sau khi ông đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên và tràn đầy cảm xúc trước những hình ảnh, âm điệu và hương vị của Thổ Nhĩ Kỹ. Hy vọng khán giả Việt Nam sẽ hài lòng.

Chưa đầy 15 năm tuổi mà bạn đã “ẵm” hai giải thưởng âm nhạc quốc gia tại Thái Lan, bằng tốt nghiệp Học viện Hoàng gia Âm nhạc Anh quốc (LRSM) và bằng DEM (Diplôme détudes musicales) với giải thưởng cao nhất của Hội đồng giám khảo. Quả là một thành tích đáng nể! Bạn có thể chia sẻ về con đường đến với dương cầm của mình?

Giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi được bố mẹ khuyến khích học dương cầm từ khi còn nhỏ. Thực ra, lúc đầu bố mẹ cũng cho tôi thử các hoạt động khác, chẳng hạn như nhảy múa và bơi lội. Trong buổi học dương cầm đầu tiên với cô giáo Brigitte Merer, dường như ngay lập tức tôi đã cảm thấy thích thú. Sau buổi học thứ hai, cô giáo bảo mẹ tôi rằng chắc trong gia đình tôi có nhạc sỹ!

Vậy ai là người truyền cảm hứng nhất cho bạn?

Mẹ tôi. Khi còn nhỏ, mẹ tôi không có dương cầm để học nhưng rất thích chơi dương cầm. Vì thế, mẹ tôi thường xuyên tưởng tượng khung cửa sổ là cây đàn dương cầm và “đánh đàn” trên khung cửa sổ, vừa đàn vừa hát. Đến thời chúng tôi, tôi thật may mắn khi không phải tưởng tượng nữa. Đàn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, chỉ sợ không đủ ý chí mà thôi.

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng gắn bó với cây đàn dương cầm của bạn?

Các buổi biểu diễn trên sân khấu để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Sự hứng khởi và hồi hộp do lo lắng thật là choáng ngợp. Cảm giác là mình đã phấn đấu và đạt kết quả tốt sau mỗi lần biểu diễn cũng để lại dấu ấn lâu dài. Niềm vui và ấn tượng tốt của khán giả sau mỗi buổi biểu diễn rất đáng nhớ và là nguồn động viên rất lớn đối với tôi.

Âm thanh dương cầm hỗ trợ cho bạn như thế nào trong việc học tại trường Đại học Cambridge - niềm tự hào của giáo dục Anh quốc, nơi mà tôi được biết là không đơn giản để có một "suất" ở đó...

Chơi dương cầm đã dạy cho tôi bài học về sự phấn đấu làm việc, quyết tâm và sự hy sinh. Những phẩm chất này rất cần thiết cho việc học nói chung cũng như cho công việc tương lai sau này. Tôi cũng nghĩ rằng việc tôi chơi dương cầm và đạt các bằng cấp chuyên môn bậc cao về dương cầm đã giúp "làm đẹp” hồ sơ của tôi khi nộp vào trường Đại học Cambridge.

Mang hai dòng máu Anh và Việt, sống ở Thái Lan, Pháp, Anh... Một cuộc sống đa quốc gia như vậy chắc hẳn sẽ tạo nên điều gì đó đặc biệt ở bạn. Nếu dùng ba tính từ đúng nhất để miêu tả về bạn thì đó là...

Linh hoạt. Tò mò. May mắn. (Flexible. Curious. Privileged)

Sinh năm 1996, Mai Charissa (mẹ là người Việt, cha là người Anh) bắt đầu học dương cầm ở Pháp khi mới lên năm tuổi. Sau đó, cô tiếp tục chơi đàn dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ tại Thái Lan và nghệ sĩ Phạm Trọng Chương – Trưởng khoa dương cầm tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Từ năm 2008-2014, cô theo học nghệ sĩ độc tấu tên tuổi Jean-Gabriel Ferlan tại Nhạc viện Vannes, Pháp. Từ mùa Thu 2014, cô tham gia vào các lớp master-classe của Colin Stone tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia ở London.

Mai Charissa đã tham gia nhiều buổi hòa nhạc tại Pháp, Anh và Đức cũng như các buổi diễn từ thiện, với sự góp mặt của nghệ sĩ dương cầm Nhật Bản Yuko Donada hay nghệ sĩ dương cầm ngẫu hứng Pierre-Yves Plat.

Hiện tại, song song với vai trò là một sinh viên ngành ngôn ngữ và nghiên cứu Trung Đông tại Trinity College (Đại học Cambridge), Mai Charissa vẫn tiếp tục trau chuốt kỹ năng diễn tấu tại các lớp học nâng cao dành riêng cho nghệ sĩ dương cầm.

Theo Hồng Phúc (thực hiện)

Thế giới và Việt Nam

Tiếng dương cầm qua khung cửa sổ - 2