Thầy dạy chúng em biết mơ ước thành người

(Dân trí) - Sống và làm việc xa quê hương, xa đất nước... ngước nhìn tờ lịch thấy tháng 11 về là lòng tôi lại xuyến xao bao nỗi nhớ mùa thu Hà Nội, nhớ bầu không khí náo nức rợp bóng áo trắng khăn quàng đỏ, hoa khoe sắc thắm trong bao vòng tay học trò tấp nập tới trường nhân ngày 20/11...

Thầy dạy chúng em biết mơ ước thành người - 1

Nhớ về những tháng ngày gian khổ của bao thế hệ Thầy - trò trong thời chiến ở miền Bắc (1965 - 1972), đó có lẽ cũng là thời gian môi trường Sư phạm trong sáng nhất. Hình ảnh người Thầy luôn được cả xã hội kính trọng, tôn vinh.

Những ảnh tư liệu quí gợi nhớ lại thời phổ thông thế hệ chúng tôi đi học ở nơi sơ tán, thường là mỗi lớp ở rìa một quả đồi, cánh đồng. Con người thời đó thực sự sống hết lòng vì mọi người. Với những con người đạo đức cao cả trong sáng như vậy, đất nước Việt Nam ta đã làm nên bao chiến thắng.


Những bức ảnh đen trắng thật trân quí về kí ức thời sự của lịch sử chiến tranh dù nay đã lùi xa, vẫn mãi mãi là những bài ca không quên đi cùng năm tháng!

Những bức ảnh đen trắng thật trân quí về kí ức thời sự của lịch sử chiến tranh dù nay đã lùi xa, vẫn mãi mãi là những bài ca không quên đi cùng năm tháng!

Năm nay được xem lại những hình ảnh tư liệu quý giá về một thời đi học nơi sơ tán, xúc cảm rưng rưng trong tôi lại một lần nữa trào dâng.

Xin được minh họa cho những ký ức vô giá đó bằng một bài thơ tôi đã viết bằng niềm kính yêu vô hạn với các Thầy Cô Giáo của chúng ta:

Thầy dạy chúng em biết mơ ước thành người - 3

Nhân ngày 20/11 năm nay, nhóm bạn bè cũ cựu chiến binh (CCB) chúc mừng GS Văn học - CCB Mạc Yên & những các đồng đội CCB còn may mắn sống sót trở về, học tập rồi trở thành các nhà giáo, nhà nghiên cứu, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vẻ vang.

Bức thư kính gửi Thầy giáo cũ

Thưa Thầy,

Chắc Thầy chẳng còn nhớ tên em

Một học sinh bình thường của thời chống Mỹ

Dép cao su, bộ áo quần giản dị

Mũ rơm trên đầu, túi thuốc ngang hông

Lớp học trống trơn, nằm nép ở ven rừng

Dưới chân bàn dọc ngang hào trú ẩn

Tất cả đều xanh và một vầng sáng nhỏ

Khăn quàng đỏ rất nhiều trên vai học sinh

Cái ngày ấy em nghĩ thật giản đơn

Đi sơ tán cũng chỉ vì đi học

Môn học không nhiều nhưng rất nhiều mơ ước

Với rất nhiều những dự cảm không tên

Mỗi một bến qua, hành trang lại nặng hơn

Ngoài kiến thức là bạn bè còn, mất

Những chuyến tàu ngược chiều về hai đầu đất nước

Người cầm súng vào nam, người du học phương xa

Chỉ vẫn Thầy ở lại với bến xưa

Qua 20, 30 năm những ai về thăm lại

Nếu chúng em khác nhiều, xin Thầy thứ lỗi

Cuộc sống có nhiều điều không giống ước mơ

Còn riêng em, em cũng đi học xa

Được ngồi trong giảng đường đầy ánh sáng

Nhưng ngọn đèn dầu ngày xưa, không được quyền quá sáng

Vẫn mãi là ngọn đèn không thể tắt trong em

Em cũng dạy học trò ở những lớp cao hơn

Với những điều có lẽ Thầy chưa từng đọc

Nhưng Thầy hãy tin, có một điều không bao giờ mất được

Cách Thầy dạy chúng em biết mơ ước thành Người


Nhà giáo Trần Thanh Thu (người đứng giữa hàng thứ 2) trong ngày trở về Hà Nội gặp gỡ các cựu học sinh trường Việt - Đức tháng 7/2017.

Nhà giáo Trần Thanh Thu (người đứng giữa hàng thứ 2) trong ngày trở về Hà Nội gặp gỡ các cựu học sinh trường Việt - Đức tháng 7/2017.


Niềm vui gặp lại bạn bè thân thiết... ngày xưa học chung một lớp 8A, trường Việt - Đức (tác giả đứng thứ 5 từ trái sang).

Niềm vui gặp lại bạn bè thân thiết... ngày xưa học chung một lớp 8A, trường Việt - Đức (tác giả đứng thứ 5 từ trái sang).

Trần Thanh Thu

(Giảng viên ĐH VUB Brussels, Bỉ)