Ở đâu cũng có thể cống hiến

Với Ngô Thị Minh Thùy - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Stanford danh tiếng thì sống ở đâu cũng có thể cống hiến cho quê hương và đóng góp theo những cách khác nhau...

TS. Ngô Thị Minh Thùy tại phòng thí nghiệm Đại học Stanford. (Ảnh nhân vật cung cấp)
TS. Ngô Thị Minh Thùy tại phòng thí nghiệm Đại học Stanford. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cơ duyên nào đưa chị tới nước Mỹ?

Tôi sinh ra và lớn lên từ một vùng quê thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Bố tôi làm nghề nông và tiểu thương còn mẹ tôi làm y tá cho một trạm y tế xã. Tôi rất may mắn được bố mẹ hết lòng nuôi ăn học, được dìu dắt tận tình bởi nhiều thầy cô giáo cũng như nhận được sự khích lệ của bạn bè.

Tốt nghiệp Đại học ngành Vật liệu Điện tử thuộc khoa Vật lý Kỹ thuật, chương trình đào tạo Kỹ sư Tài năng của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi giành học bổng và hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Vật lý của Đại học Amsterdam (Hà Lan) và chương trình tiến sĩ ngành Lý Sinh của Đại học Tổng hợp Illinois tại Urbana Champaign (Mỹ).

Hiện tại, tôi đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Stephen Quake tại khoa Kỹ thuật Sinh học, Trường Đại học Stanford.

Chị có gặp khó khăn gì khi hòa nhập với nước sở tại hay không?

Mỹ là một thế giới thu nhỏ. Sống ở đây, tôi có cảm giác mình là công dân “toàn cầu”. Ở Mỹ, mỗi người sống theo một cách riêng và có rất nhiều lựa chọn từ môi trường làm việc, công việc, cho đến lối sống và thẩm mỹ. Môi trường làm việc ở đây rất năng động và cũng thường xuyên có thể thay đổi. Vì thế, người dân ở đất nước này không ngại thay đổi về công việc, ngành nghề và chỗ ở.

Chẳng hạn như chồng tôi (cũng là người Việt Nam) rất thích làm kỹ thuật và muốn một công việc có nhiều thử thách về chuyên môn nên vị trí kĩ sư nghiên cứu và phát triển của tập đoàn Intel rất phù hợp với anh ấy. Bản thân tôi thì muốn một công việc tự do và có cơ hội khám phá nên vị trí làm nghiên cứu rất phù hợp.

Một thuận lợi nữa là chất lượng giáo dục và chăm sóc y tế ở Mỹ rất tốt. Chúng tôi đã có con nên cảm thấy an tâm với hệ thống giáo dục luôn coi trọng sự phát triến sáng tạo toàn diện cũng như tinh thần trách nhiệm ở trẻ được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, Mỹ là môi trường cạnh tranh và thu hút nhân tài nên tôi phải cố gắng nếu không muốn bị đào thải. Sự đa dạng về văn hóa rất thú vị nhưng đôi khi làm cho tôi cảm thấy lạc lõng và nhớ quê hương.

Vậy với chị, du học mang lại ích lợi gì? Chị có lời khuyên nào cho những bạn trẻ Việt Nam đang theo đuổi nghiên cứu khoa học như chị không?

Tôi đi du học xuất phát từ một suy nghĩ rất đơn giản là muốn thành thạo ngoại ngữ để có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài. Tiếp đến là mong muốn được biết và đóng góp vào sự phát triển đương đại của khoa học và kỹ thuật chứ không chỉ dừng lại ở những hiểu biết về kiến thức kinh điển đã được học trong sách giáo khoa.

Lĩnh vực nghiên cứu ban đầu của tôi là về chất rắn, bán dẫn và siêu dẫn nhưng tôi muốn thử một lĩnh vực mới và được nhận làm thực tập trong một phòng thí nghiệm lý sinh. Tôi nhận thấy đây là một hướng nghiên cứu mở với rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải.

Đến nay, tôi vẫn luôn cảm thấy thú vị với những khám phá mới trong ngành. Ngoài ra, đây là một ngành nghiên cứu có tính kết hợp kiến thức từ vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật cho đến khoa học máy tính... nên cách tiếp cận nghiên cứu của tôi là tìm ra một câu hỏi mà mình cảm thấy thú vị và sẽ đi tìm câu trả lời bằng những công cụ khác nhau.

Được biết, chị đang theo đuổi một đề tài nghiên cứu mà tương lai có thể ứng dụng để phát hiện bệnh ung thư sớm cũng như điều chỉnh quá trình điều trị ung thư?

Công việc nghiên cứu hiện tại của tôi tại Đại học Stanford là phát triển một phương pháp xét nghiệm máu mới cho phép theo dõi sự thay đổi trong cơ thể của người mẹ và thai nhi. Phương pháp mới này dựa trên sự kết hợp giữa giải mã gen, phân tích tính chất vật lý của ADN/ARN và qua những giải thuật về dữ liệu trong khoa học máy tính.

Khi người mẹ mang thai, một phần nhỏ vật chất di truyền (ADN và ARN) của bé sẽ đi vào máu của mẹ, đồng thời ADN và ARN ở trong máu của mẹ cũng có thể có chút thay đổi. Vì vậy, tôi dự định sẽ phát triển phương pháp xét nghiệm máu mới có độ nhạy cao để có thể đo và theo dõi được sự thay đổi này. Nếu thành công, nó có thể ứng dụng để phát hiện bệnh ung thư sớm và theo dõi, điều chỉnh quá trình điều trị ung thư vì tế bào ung thư cũng tiết ra ADN và ARN vào trong máu.

Theo chị, môi trường trong nước có hạn chế cho việc phát huy chất xám của giới tri thức kiều bào hay không?

Nếu về Việt Nam làm việc ngay bây giờ thì tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là làm sao tạo được sự kết nối hợp tác giữa các trường, các viện nghiên cứu và nhà cung cấp vật tư. Hơn nữa, kinh phí cho những dự án liên quan đến sinh học thực nghiệm là rất lớn so điều kiện chung trong nước.

Tuy nhiên, để phát triển khoa học trong nước, theo tôi, giải pháp trước mắt là tạo ra những chương trình và dự án hợp tác quốc tế tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu và sinh viên cơ hội làm việc cả trong và ngoài nước. Ví dụ như về thí nghiệm thì có thể thực hiện khoảng 30% ở Việt Nam và 70% ở nước ngoài và phần thiết kế thí nghiệm, phân tích số liệu và viết bài có thể thực hiện 80%, thậm chí hoàn toàn ở Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng nữa là các nhà nghiên cứu và sinh viên phải được tiếp cận với kho tri thức nhân loại cùng những nghiên cứu mới nhất. Do đó, mạng lưới thư viện quốc gia phải có khả năng truy cập vào tất cả các đầu sách báo và tạp chí.

Ở Việt Nam vẫn còn nỗi lo về “chảy máu” chất xám, tức là cứ có nhân tài lại thấy đi du học rồi làm việc ở nước ngoài. Dự định của chị là như thế nào?

Hiện tại tôi chỉ là nghiên cứu viên làm việc dưới sự hướng dẫn của một giáo sư, nên trước mắt, tôi dự định tập trung vào phát triển chuyên môn. Nói đến ước mơ thì tôi ước sẽ có một phòng thí nghiệm riêng và có thể triển khai cả ở nước ngoài và ở Việt Nam.

Tôi cũng biết đến một số anh chị đi trước và bạn bè cùng trang lứa người Việt đang thành đạt ở nước ngoài nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho đất nước. Ví dụ như doanh nhân thì có thể mở chi nhánh công ty ở Việt Nam, những kỹ sư, giáo sư thì có thể làm cầu nối tri thức… Tôi nghĩ, sống ở đâu cũng có thể cống hiến cho quê hương và mỗi người đóng góp theo những cách khác nhau.

Xin cảm ơn chị!

TS. Ngô Thị Minh Thùy sinh năm 1984. Chị từng ba lần đạt giải Best Poster và Best Talk trong những hội nghị chuyên ngành vào năm 2009 và 2014.

Hiện tại, chị cũng có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí đầu ngành như Cell, Nature Communications, Journal of American Chemical Society...

Theo Trọng Vũ